Hôm nay, mức giá được đồn đoán cho bản quyền World Cup 2018 ở Việt Nam trong thỏa thuận tốt nhất mà Infront Sports & Media có thể đưa ra cho VTV là không vượt quá 12 triệu USD, thấp hơn 20% so với giá trước đó (15 triệu USD) nhưng vượt xa so với mức thực chi của nhà đài vào kỳ World Cup trước đó (7 triệu USD).
Tuy nhiên, khác với thời điểm năm 2014, sự cứng rắn của VTV trong năm 2018 về số tiền có thể chi để sở hữu bản quyền World Cup đã đẩy thỏa thuận có lúc đi đến điểm bế tắc, và khán giả Việt Nam từng được cảnh báo "nên chuẩn bị tâm lý không thể theo dõi trực tiếp 64 trận đấu". Tới hạn chót, nhờ sự chung tay của một số đại gia ngành bất động sản (một công ty được xác nhận chi khoảng 5 triệu USD), người hâm mộ có niềm tin VTV sẽ có được thỏa thuận cuối về vấn đề này.
Ngay cả khi được tài trợ, phía nhà đài cũng sẽ phải bỏ ra khoản tiền khá lớn để đối ứng tài chính cho thương vụ mua bản quyền ồn ào. Mất 2 năm để thương thảo hợp đồng, nhưng chính VTV cũng thừa nhận khó có thể cân đối thu chi trong một giải đấu lớn kéo dài tới hơn 1 tháng, và nắm tới "90% thua lỗ".
Với các chương trình truyền hình, cách để các nhà đài thu lại được vốn bỏ ra khi mua bản quyền hầu hết đến từ doanh thu quảng cáo. World Cup cũng là chương trình đang nắm giữ kỷ lục về giá quảng cáo của VTV, với bloc 30 giây được bán giá 350 triệu đồng trong trận chung kết.
Hiện tại, báo giá của các chương trình quảng cáo trước, trong và sau các trận đấu của World Cup 2018 chưa được công bố, nhưng thực tế, sau nhiều năm, chương trình đạt mức giá quảng cáo cao nhất của VTV mới chỉ là 300 triệu đồng/bloc 30 giây, thì có thể dự đoán, giá quảng cáo năm nay sẽ ít có khả năng biến động mạnh.
Năm nay, phần lớn các trận đấu ở World Cup sẽ diễn ra trong khung giờ vàng của truyền hình, từ 19h - 23h hàng ngày. Nếu lấy mức trung bình của kỳ túc cầu diễn ra cách đây 4 năm, mỗi bloc quảng cáo từ các trận vòng bảng đến chung kết có mức giá chung 180 triệu đồng, thì VTV với khoảng 7 triệu USD thực chi sẽ phải chiếu khoảng 881 bloc quảng cáo 30 giây, tương đương 7 giờ phát quảng cáo liên tục trong vòng 30 ngày.
Thực tế, chi phí trong kỳ World Cup của đài truyền hình nắm giữ bản quyền phát sóng không chỉ tính bằng tiền trả cho đối tác nước ngoài, mà còn là chi phí sản xuất các chương trình truyền hình ăn theo, như chương trình đồng hành, bình luận, tổng hợp...
Theo L.T (Nhịp Sống Kinh Tế)