Dường như NHNN đang bị đẩy vào thế kẹt, khi vừa phải có nhiệm vụ huy động ngoại tệ trong dân vừa mang trọng trách lớn giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế...
Hơn tuần qua, một trong những vấn đề được cả thị trường tài chính dồn chú ý là việc Chính phủ hối thúc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm có chủ trương huy động nguồn lực ngoại tệ trong dân. Đã có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc có nên nâng lãi suất huy động đồng USD từ mức 0% như hiện tại hay không. Và nếu quyết định nâng lãi suất, thì chúng ta sẽ được và mất những gì?!
Được gì?
Rõ ràng, từ việc hối thúc của Chính phủ, có thể thấy rõ tầm quan trọng của việc huy động nguồn lực USD trong dân.
Hiện nay nguồn ngoại tệ được cất giấu trong “két sắt” của dân được đánh giá là rất lớn, và nguồn lực này có thể phát huy được vai trò to lớn nếu có thể được chuyển đổi đi vào sản xuất, kinh doanh, thay vì nằm im không sinh lời như hiện nay.
Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất huy động USD cũng là một biện pháp giúp ngăn chặn xu hướng tiêu cực chảy máu ngoại tệ đang ngày càng nghiêm trọng. Báo cáo của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR) cho hay, năm 2017 người Việt đứng thứ 6 trong top 10 nước hàng đầu có công dân mua nhà ở Mỹ.
Theo thống kê, chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người Việt đã chi khoảng 3,06 tỷ USD để mua bất động sản ở nước ngoài, chủ yếu là nhà tại Mỹ.
Trong khi đó, ngoại tệ chảy về nước lại đang có dấu hiệu giảm sút. Năm 2016, tổng lượng kiều hối về Việt Nam chỉ đạt khoảng 9 tỷ USD, thấp hơn khá nhiều so với con số đạt được năm trước là gần 13 tỷ USD. Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam có lượng kiều hối giảm so với năm trước đó.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên chính gây ra tình trạng này là sự thay đổi về chính sách lãi suất của Fed khi Ngân hàng Trung ương Mỹ quyết định tăng lãi suất cơ bản trong năm 2016 và dự báo sẽ có 3 lần tăng trong năm 2017. Điều này khiến việc nắm giữ đồng USD trở nên hấp dẫn hơn.
Do đó, theo nhiều chuyên gia, nếu cứ tiếp tục theo đuổi chính sách lãi suất 0% như hiện tại, Việt Nam sẽ đi ngược quy luật của lãi suất.
Hai lựa chọn
Dù cái được khi tăng lãi suất là rõ ràng, nhưng chính sách nào cũng có hai mặt của nó. Nếu muốn tăng lãi suất huy động USD thì bắt buộc Nhà điều hành sẽ phải tăng cả lãi suất huy động tiền gửi VND nếu không muốn người dân ồ ạt bán tiền đồng để găm giữ ngoại tệ kiếm lời.
Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, muốn giữ được ổn định tiền gửi VND, cần phải giữ chênh lệch lãi suất VND và USD ít nhất 6%.
Trong khi đó, lãi suất huy động đồng nội tệ tăng chắc chắn sẽ khiến lãi suất cho vay tăng, tức là gia tăng thêm chi phí vay cho nền kinh tế.
Từ đó, sẽ càng gây khó khăn cho doanh nghiệp và việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay sẽ càng khó khăn hơn bao giờ hết.
Theo chuyên gia, với yêu cầu này của Chính phủ, dường như NHNN đang bị đẩy vào thế kẹt, khi vừa phải có nhiệm vụ huy động ngoại tệ trong dân vừa mang trọng trách lớn giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“NHNN đang phải đứng giữa hai lựa chọn, hoặc là huy động ngoại tệ hoặc chấp nhận chi phí vốn cao hơn cho nền kinh tế. Dù vậy, tôi cho rằng, chúng ta vẫn nên duy trì chính sách 0%, chưa nên khuấy động thị trường vào lúc này. Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm, nếu Fed tiếp tục điều chỉnh lãi suất thêm 0,25% thì có lẽ chúng ta cũng nên áp dụng lại lãi suất cho tiền gửi USD nếu không muốn tình trạng chảy máu ngoại tệ trở nên nghiêm trọng hơn”, TS.Hiếu nói.
Theo Trần Thúy (Bizlive.vn)