Hầu hết người Việt Nam chúng ta đều nghĩ Việt Nam là nước nghèo nàn, lạc hậu, kinh tế chậm phát triển nên trong bất cứ lĩnh vực nào của kinh tế, chúng ta cũng đi sau, lạc hậu hơn các nước Âu, Mỹ vài chục năm, tối thiểu là 10-15 năm.
Câu chuyện điện thoại di động ở Mỹ
Cách đây khoảng hơn 10 năm, chúng tôi có chuyến công tác ở Mỹ 10 ngày. Đoàn có 10 người, để thuận tiện liên lạc và tiết kiệm chi phí, người hướng dẫn phát cho mỗi người một chiếc điện thoại đi động của một nhà mạng Mỹ.
Buổi sáng đầu tiên, để ăn sáng tập trung, trước khi vệ sinh cá nhân, tôi nhắn tin cho mấy anh bạn hẹn đúng 8 giờ 30 ở nhà ăn, nhưng có 3-4 anh bạn xuống muộn 15 phút, các anh giải thích "không nhận được tin nhắn".
Mãi đến khi ngồi vào bàn ăn, chúng tôi mới nghe tiếng tít tít, như vậy phải 30 phút tin nhắn mới đến nơi.
Bực mình tôi lấy điện thoại Việt Nam (roaming) ra nhắn thì chỉ một giây là đến, tôi chợt buột miệng: "Hóa ra điện thoại di động Việt Nam hơn Mỹ à?".
Viễn thông Việt Nam đã ngang bằng thế giới
Sau sự cố nhắn tin ở Mỹ, tôi chợt phát hiện ra một điều ngành viễn thông Việt Nam đã ngang bằng với thế giới, kể cả các nước Âu Mỹ.
Các bạn nào đi nước ngoài nhiều có thể kiểm chứng:
Về chất lượng sóng, độ phủ sóng, tốc độ truyền của điện thoại di động, Internet ở Việt Nam đã tương đương với các nước Âu, Mỹ, Nhật Bản, Singapore hay bất cứ nước nào trên thế giới.
Về dịch vụ, Việt Nam có tất cả các dịch vụ điện thoại di động, Internet mà các nước Âu, Mỹ có: từ gọi, nhắn tin, chặn cuộc gọi, báo nhỡ...
Về độ tiện dụng khi mua điện thoại di động và phụ kiện, mua sim thẻ, nạp tiền, thanh toán cước phí... tôi nghĩ Việt Nam còn thuận tiện hơn.
Riêng về các nhà cung cấp viễn thông, Internet, các doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn thị trường Việt Nam, làm chủ hoàn toàn công nghệ.
Không một doanh nghiệp viễn thông nước ngoài nào kiếm được tiền trực tiếp từ thị trường Việt Nam, ngược lại Viettel lại kiếm được nhiều tỷ đô la từ thị trường quốc tế.
Như vậy ở lĩnh vực viễn thông, không bị gánh nặng bởi hệ thống điện thoại cố định cổ lỗ, tồn tại hàng trăm năm, với hệ thống dây cáp nhằng nhịt như các nước phát triển, các nhà mạng viễn thông Việt Nam đi thẳng vào công nghệ di động không dây (2G, 3G), vào Internet.
Nói cách khác, ngành điện thoại di động, Internet Việt Nam đã "đi tắt, đón đầu" nên có xuất phát điểm cùng với điện thoại di động, Internet các nước Âu, Mỹ.
Muốn đi tắt đón đầu phải hiểu rõ địa hình
Từ câu chuyện anh hùng Cù Chính Lan với tình huống bị xe tăng Pháp bỏ lại phía sau đã chạy bộ băng rừng đón đầu để tiêu diệt xe tăng Pháp, đến câu chuyện ngành viễn thông Việt Nam đi thẳng vào di động không dây, bỏ qua điện thoại cố định có dây để đưa ngành viễn thông Việt Nam ngang bằng ngành viễn thông thế giới, đã cho chúng ta bài học sâu sắc:
Muốn đuổi kịp và vượt thì hoặc phải đi với tốc độ cao hơn hoặc phải "đi tắt, đón đầu" và "muốn đi tắt đón đầu thì phải biết rõ đường đi, biết rõ địa hình", nếu không biết thì càng "đi tắt" càng bị bỏ lại xa hơn.
Hóa ra từ trước đến nay chúng ta hay dùng từ "đi tắt, đón đầu" mà quên mất một điều kiện là chúng ta "có biết rõ con đường đi không, có biết rõ địa hình, biết rõ khúc cua không", chỉ có biết rõ thì chúng ta mới biết đi đằng nào là "đi tắt", đi đằng nào mới có thể đón đầu.
Vậy đường đi, địa hình trong phát triển kinh tế là gì? Theo tôi nó chính là "xu hướng công nghệ", là "mô hình quản trị" và "mô hình kinh doanh."
Những ngành nào có thể ngang bằng?
Trên tinh thần nắm bắt chính xác xu hướng công nghệ, thành tựu mới nhất của khoa học trên thế giới, chúng ta đi thẳng vào công nghệ mới nhất, dưới góc độ của người làm công nghệ thông tin, tôi cho rằng để đuổi kịp và vượt các nước khác, Việt Nam nên tập trung nỗ lực của toàn xã hội vào một số hướng sau đây:
Nông nghiệp công nghệ cao:
Chúng ta đều biết Israel đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, họ phát hiện ra một điểm đặc biệt quan trọng là "thực chất cây cối không cần có đất" mà "cây cối cần nước, dinh dưỡng và ánh sáng"; từ đó họ dùng hệ thống phần mềm tính toán, điều khiển hệ thống tưới thông qua những đường ống dẫn nước và dinh dưỡng trực tiếp đến tận rễ cây; hệ thống sẽ biết lúc nào cây hết nước, lúc nào cây cần bón loại phân gì và cần bao nhiêu, lúc nào thì cây cần ánh sáng, cần nhiều hay ít.
Với công nghệ chăm bón, tưới như vậy cây sẽ ra năng suất rất cao, có thể gấp hàng chục lần, với chất lượng rất tốt.
Nông nghiệp công nghệ cao đã phát triển mạnh ở Israel, ở Nhật Bản cũng bắt đầu được vài năm, nếu Việt Nam đi thẳng vào thì với tiềm năng con người, đất đai, nguồn nước của mình, ngành nông nghiệp Việt Nam có cơ hội giống ngành viễn thông.
Thành phố thông minh, giao thông thông minh, lưới điện thông minh, IOT
Thế giới đang bước vào xu thế công nghệ SMAC (Social - Mobile - Analystics - Cloud) và IOT (Internet of Thing). Từ những công nghệ này nó sẽ đưa ra những thiết bị thông minh, những giải pháp thông minh.
Các thiết bị, giải pháp này sẽ thay đổi hoàn toàn xã hội: sản xuất, tiêu dùng, đi lại, mua sắm, giải trí, y tế - chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vận hành và quản lý xã hội.
Hãy tưởng tượng hệ thống giao thông trong đó toàn bộ các trạm thu phí được dỡ bỏ, xe chạy không thay đổi tốc độ, hệ thống thu phí tự động và tự trừ tiền trong tài khoản.
Hãy tưởng tượng hệ thống giám sát giao thông sẽ không cần cảnh sát bắn tốc độ, đứng lề đường chặn xe để phạt mà hoàn toàn phạt nguội; toàn bộ các phương tiện công cộng như xe bus, tàu đường sắt đô thị, metro, đường sắt chỉ cần một vé, đi đoạn nào trừ tiền đoạn đó.
Hãy tưởng tượng hệ thống giao thông đô thị mà mỗi khi đi đâu, bạn chỉ cần đưa tên điểm cần đến, hệ thống sẽ đưa ra lời khuyên bạn nên đi đường nào thì nhanh nhất, đến mỗi ngã tư sẽ có đèn hướng đi ba màu đỏ, vàng, xanh (hướng đỏ là đường đi vào thì tắc, hướng vàng là đường đi vào thì ùn, hướng xanh là đường đi vào thì thoáng).
Hãy tưởng tượng toàn bộ hệ thống tiêu dùng điện, nước không còn nhân viên đọc, ghi chỉ số đồng hồ đo, thu tiền tại nhà; hệ thống sẽ đo tự động, chính xác cao, tự báo cho bạn số kw, số m3 bạn dùng trong tháng, bạn có thể tự nạp tiền điện, tiền nước như nạp tiền điện thoại.
Hệ thống cũng ghi được số kw, số m3 tiêu thụ tính theo giờ và trả tiền với giá khác nhau, khi đó bạn có thể chọn giặt quần áo, là quần áo, đun nước nóng với giá tiền điện gần bằng không nếu bạn làm vào lúc nửa đêm.
Các bạn thử tưởng tượng: Ở nhà, bạn sẽ không phải đau đầu với một đống các điều khiển từ xa, muốn bật, tắt tivi, chuyển kênh bạn chỉ cần nói: "bật", "tắt", "thời sự", "bóng đá", "bóng chuyền", "phim Hàn Quốc", "phim hành động Mỹ"... tivi nhà bạn sẽ tự chuyển kênh theo "mệnh lệnh".
Tất cả những điều trên hoàn toàn nằm trong tầm tay chúng ta, chúng ta không chỉ làm cho Việt Nam, mà còn có thể xuất khẩu sang các nước khác, kể cả những nước có kinh tế phát triển hơn Việt Nam.
Đối với ngành kinh tế khác, tôi không nắm được xu thế công nghệ của ngành đó nên không dám đề xuất.
Tôi mong các chuyên gia của mỗi ngành sẽ đề xuất lĩnh vực mà ngành mình "đi tắt đón đầu", chỉ có điều các bạn luôn cần ghi nhớ "muốn đi tắt đón đầu thì phải biết rõ đường đi, biết rõ địa hình, biết rõ khúc cua".
Bài viết rút từ cuốn sách KHÁT VỌNG VIỆT - VÌ SAO ĐẤT NƯỚC TA CÒN NGHÈO của tác giả Đỗ Cao Bảo, Phó TGĐ FPT, sắp được Thaihabook phát hành tại Việt Nam. |
(Còn nữa)
Theo Phó TGĐ FPT Đỗ Cao Bảo (Trí Thức Trẻ)