Các nhà quản lý bóng đá tại nước Anh, nơi có giải túc cầu quốc nội được xem là khắc nghiệt nhất hành tinh, thường xuyên than vãn rằng họ đang phải làm một công việc đầy cực khổ: Giữ cho các cầu thủ không sa đà vào những trò hư hỏng, khiến các ngôi sao không để cái tôi của họ vượt ra khỏi khuôn khổ và đối phó với cánh truyền thông luôn bủa vây mọi hướng.
Thế nhưng, nếu nhìn sang Syria, những nhà quản lý bóng đá ở Anh có thể thở phào, vì chí ít, họ không phải đối mặt với hai điều diễn ra thường ngày trong nền bóng đá nơi đây: chiến tranh và nghèo đói.
Cây viết Peter Oborne của trang Middle East Eye đã có cơ hội phỏng vấn Fadi Dabas, người đang giữ chức giám đốc bóng đá của Syria tại ASIAD 2018. Khi đó, Fadi Dabas đã có 3 năm liên tiếp giữ vai trò quân sư cho đội bóng quốc gia Tây Á này.
Bị tàn phá bởi chiến tranh, trừng phạt kinh tế, Fadi Dabas cho biết đội tuyển Syria không có trận đấu trên sân nhà nào trong suốt thời gian nằm dưới sự quản lý của ông. Thành phố bóng đá và cũng là thủ đô của quốc gia này, Aleppo, thường xuyên là mục tiêu của những cơn mưa đạn trong nhiều năm qua.
Sân vận động tại Syria luôn vắng vẻ, bởi đám đông lớn tập trung là một mục tiêu quá hấp dẫn với các nhóm đối lập. Các cầu thủ Syria thậm chí còn phải chọn một sân bóng ở Malaysia để thi đấu các trận sân nhà của họ trong vòng loại World Cup 2018, và tất nhiên, lượng khán giả nhà của họ cũng chẳng nhiều nhặn gì ở một nơi cách quê hương tới 4.500 dặm.
"Bóng đá là phải có tiền, còn chúng tôi chẳng có gì", Fadi Dabas cay đắng chia sẻ.
Theo thống kê, thu nhập trung bình của một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp tại Syria là 200 USD/tháng. Theo tiêu chuẩn chung của người Syria, đó là mức thu nhập tốt, bởi đội vô địch trong giải đấu quốc nội chỉ nhận được mức thưởng vỏn vẹn 10.000 USD. Thậm chí, dù có trận thắng được xem là lịch sử trước Uzbekistan ở vòng loại World Cup, mỗi cầu thủ Syria chỉ được thưởng vỏn vẹn 2.000 USD.
Để có thu nhập tốt hơn, các cầu thủ Syria phải tìm cách chơi bóng ở các quốc gia khác. Mức trả cao nhất cho một cầu thủ bóng đá thi đấu cho các nước lân cận như Ả rập Xê - Út, Czech hay Jordan có thể đạt 30.000 USD/năm, vẫn thấp hơn đáng kể so với mức mà những đồng nghiệp chơi bóng tại Anh có thể kiếm được sau một buổi chiều cuối tuần được ra sân.
Thời kỳ còn là một hậu vệ của một đội bóng Syria, Fadi Dabas cũng từng cống hiến niềm đam mê của mình mà không nhận lại một xu nào. "Đôi khi tôi đưa tiền cho đội bóng, để giúp họ vượt qua những khó khăn tài chính vụn vặt".
Không có tiền, bóng đá Syria khó mơ đi xa hơn ở những đấu trường lớn. Mặc dù thắng Trung Quốc và cả Uzbekistan, nhưng Syria vẫn không thể trở thành một trong 32 đội góp mặt trong vòng chung kết Word Cup. Thế nhưng, mọi chuyện có thể sẽ khác ở ASIAD, sân chơi được cho là vừa tầm hơn đối với bóng đá Syria, nhất là khi chiều nay, đội tuyển này sẽ gặp Việt Nam - đối thủ mới có lần đầu tiên lọt vào bán kết môn đóng đá nam tại một kỳ Á vận hội.
Theo L.T (Nhịp Sống Kinh Tế)