Nắng nóng gay gắt, bất an khi tiêu thụ điện liên tục lập đỉnh mới

29/04/2024 14:10:58

Nắng nóng khắp 3 miền khiến công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ điện đã tăng cao với những con số đạt kỷ lục mới. Trong khi đó, miền Bắc mới chỉ đầu hè, tiêu thụ điện sẽ còn tăng mạnh.

Liên tiếp kỷ lục mới về tiêu thụ điện 

Trong những ngày cuối tháng 4/2024, thời tiết nắng nóng gay gắt diễn ra ở cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện toàn quốc tăng cao kỷ lục. Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, cả công suất cực đại (Pmax) và sản lượng điện tiêu thụ điện ngày (A ngày) trên quy mô toàn quốc đã tăng cao với những con số đạt kỷ lục mới của hệ thống điện quốc gia.

Vào lúc 13h30 ngày 27/4/2024: công suất cực đại toàn quốc đã lên tới 47.670 MW. Sản lượng tiêu thụ toàn quốc ngày 26/4/2024 đã lên tới 993 triệu kWh.

Nắng nóng gay gắt, bất an khi tiêu thụ điện liên tục lập đỉnh mới
Nắng nóng khắp 3 miền khiến tiêu thụ điện tăng cao. Ảnh: NPC

Riêng đối với khu vực miền Bắc, do đây mới chỉ là đợt nóng gay gắt đầu tiên diễn ra nên tiêu thụ điện miền Bắc mặc dù tăng cao so với trước đó nhưng vẫn chưa tới mức đỉnh đã từng được ghi nhận trong quá khứ.

"Như vậy, tiêu thụ điện ở miền Bắc khả năng cao còn tiếp tục tăng lên trong những đợt nóng sắp tới của mùa hè năm nay", Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận định.

Theo EVN, việc kinh tế từng bước được phục hồi, đồng thời dự báo nền nhiệt độ tăng cao, nắng nóng xuất hiện sớm tại cả 3 miền nên nhu cầu điện tăng trưởng cao hơn so kế hoạch đầu năm. 

Vì vây, EVN đã cập nhật tính toán Kế hoạch cung ứng điện và vận hành hệ thống điện năm 2024 và Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4,5,6,7) của năm 2024 và đã được Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh.

Một trong những giải pháp EVN đang thưc hiện là huy động tối ưu các nguồn điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc và điều tiết giữ nước các hồ thuỷ điện ở mức nước cao để chuẩn bị cung ứng điện cho cả mùa khô năm 2024.

Đối với thuỷ điện, trong cuộc tọa đàm với báo VietNamNet vào ngày 8/4, đại diện Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia từng chia sẻ về chiến lược tích nước trong các hồ, để dành nước trong các hồ thuỷ điện để sử dụng vào những lúc cần thiết. Đó là lúc nắng nóng nhất, tháng 5, 6, 7.

"Cụ thể, tính đến ngày hôm nay (8/4), chúng tôi đã trữ nước trong các hồ thuỷ điện cỡ 11 tỷ kWh điện. Cùng giờ này năm ngoái, chúng tôi trữ được có 7 tỷ kWh, nghĩa là cao hơn 4 tỷ kWh trong các hồ. Như hồ Lai Châu chúng tôi giữ cao hơn 20m so với năm ngoái, Sơn La cao hơn 10m, Hoà Bình cao hơn 4m. Đấy là nguồn trữ lại một cách chủ động để đáp ứng cho mùa nắng nóng", đại diện A0 cho biết. 

Đáng chú ý, để đáp ứng yêu cầu cung ứng điện khu vực miền Bắc, các TCT Điện lực có thể sẽ huy động thêm các nguồn diesel mượn của khách hàng để bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia trong các tình huống khẩn cấp.

Ngoài ra, EVN đàm phán để tăng cường nhập khẩu điện từ các quốc gia lân cận, trong đó tiếp tục đàm phán với các đối tác tại Lào để tăng nhập khẩu điện về Việt Nam qua khu vực Nghệ An, Quảng Trị. 

Nắng nóng gay gắt, bất an khi tiêu thụ điện liên tục lập đỉnh mới - 1
Cung ứng điện cho miền Bắc sẽ rất căng thẳng. Ảnh: NPC

Tiết kiệm điện, dịch chuyển sản xuất khỏi giờ cao điểm

Cũng tại buổi tọa đàm do báo VietNamNet thực hiện, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho rằng: Giờ cao điểm của chúng ta thực tế sau 10 năm vận hành hệ thống điện đã có sự chuyển dịch, thay cho việc giờ cao điểm từ 9-11h đã chuyển sang từ 13h-15h30 và thêm giờ cao điểm vào 21-23h. Tập đoàn mong muốn các khách hàng sử dụng điện, cùng với tập đoàn có thể xem xét những dây chuyền sản xuất, thành phần có thể dịch chuyển được có thể dịch chuyển khỏi giờ cao điểm để đảm bảo tốt hơn việc cung ứng điện. 

"Chúng tôi cũng trao đổi với quý khách hàng sử dụng điện để làm sao thực hiện các chương trình dịch chuyển phụ tải phi thương mại, trong trường hợp hệ thống điện có khó khăn về công suất cực đại chúng ta có thể giảm bớt công suất vào giờ hệ thống điện yêu cầu để đảm bảo hệ thống điện được vận hành một cách liên tục, an toàn và ổn định", đại diện EVN chia sẻ.

Đề cao giải pháp tiết kiệm điện, ông Trần Minh Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc kêu gọi: Hãy sử dụng điện tiết kiệm đúng cách, thông thái, có trách nhiệm là những thông điệp, mà chung tôi mong muốn mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp, mỗi đơn vị, cơ quan, tổ chức thực hiện như một thói quen, thường xuyên liên tục sẽ là giải pháp cứu cánh giúp EVN cũng giảm bớt khó khăn trong cung ứng điện. 

"Chắc chắn nếu không có sự chung tay của khách hàng, của nhân dân, của doanh nghiệp, của chính quyền thì thực sự chúng tôi khó “qua ải nắng nóng năm nay. Chắc chắn trong tình hình cực khó như các đại biểu đã chia sẻ thì slogan phải biết thành hành động thực tế, đó là: tiết kiệm và tiết kiệm, “thắt lưng buộc bụng”, “ăn dè hà tiện”, thì áp lực cung điện trong cao điểm nắng nóng miền Bắc sẽ giải tỏa", đại diện Điện lực miền Bắc nhấn mạnh

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam khẳng định: Chúng ta cần tuyên truyền để cho người dân hiểu rằng cầu tiêu thụ điện có tác dụng trở lại đối với cung, thậm chí quyết định cung. Chúng ta có xác định nhu cầu hợp lý mới giúp có phương án huy động cũng như xác định được ngồn cung, chi phí đầu tư,... khi nhu cầu cứ tăng cao vùn vụt.

"Chúng ta phải kiểm soát được phía cầu, tức từ phía người sử dụng điện, để luôn có biểu đồ phụ tải ở mức tốt, giảm sức ép về cung ứng điện trong mùa cao điểm. Nếu không có cơ chế, nếu không có sự đồng thuận của người dân thì ngành điện sẽ rất khổ", ông Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh.

"Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị quý khách hàng sử dụng điện thực hiện triệt để tiết kiệm điện và tiết kiệm điện thành thói quen. Chúng ta không chỉ sử dụng điện tiết kiệm trong 1 giờ, mà chúng ta thực hiện tiết kiệm điện trong 24 giờ trong một ngày, cũng như trong 365 ngày trong năm. Chúng ta cùng chung tay, chung sức để làm cho hệ thống điện của chúng ta được vận hành một cách an toàn hơn, ổn định hơn và hệ thống điện đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của tất cả chúng ta", lãnh đạo EVN gửi thông điệp đến khách hàng.

Theo Lương Bằng (VietNamNet)