Các cửa hàng chuyên bán máy phát điện tại Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng hay các siêu thị điện máy như: Media Mart, Pico… cũng đã nhập hàng về khá nhiều, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Lượng khách ra vào tại những cửa hàng này nhộn nhịp hơn hẳn do nhu cầu mua máy phát điện dân dụng tăng đột biến do Hà Nội bắt đầu vào thời gian cắt điện luân phiên.
Theo chia sẻ tử một số chủ cửa hàng, gần 1 tuần nay những cửa hàng này đã bán được khoảng gần 10 chiếc máy phát điện lớn nhỏ với nhiều công suất khác nhau.
"Kể từ đầu hè tôi đã nhập thêm một số máy phát điện công suất vừa và nhỏ để phục vụ khách hàng, trung bình mỗi ngày cửa hàng tôi bán được 3 – 5 chiếc", chị Nguyễn Thùy, chủ một hàng điện máy tại Trường Chinh cho hay.
Cũng giống chị Thùy, anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ cửa hàng điện máy tại Nguyễn Lương Bằng cho biết, trước đây, nếu không tính hợp đồng theo dự án của các doanh nghiệp và nhà hàng thì mỗi ngày chúng tôi chỉ bán được 1- 2 chiếc, giờ đã tăng lên khoảng 4 chiếc máy phát điện/ ngày", anh Tuấn nói.
Cũng chính vì quá nhiều người đổ xô đi mua máy phát điện cùng một thời điểm, nên mặt hàng này bị "cháy", giá bị đẩy lên cao. Để tránh rơi vào tình trạng nắng nóng khi mất điện, nhiều người đã rục rịch đi mua máy phát điện với mong muốn sẽ mua được chiếc máy ưng ý, giá cả phải chăng.
Một số khách hàng đang tìm mua máy phát điện đều cho biết, để tránh tình trạng rơi vào cảnh không có điện trong thời tiết nắng nóng do cắt luân phiên như các năm trước nên những người này đã quyết định mua máy phát điện.
Theo một số cửa hàng, máy phát điện dân dụng loại công suất từ một đến ba KVA (loại máy sử dụng phù hợp trong gia đình khoảng ba tới 5 người, với các thiết bị thông dụng như quạt, tivi, đèn thắp sáng) có thiết kế khá gọn nhẹ (20 - 30 kg), kiểu dáng đẹp, tiện dụng được người dân ưa dùng.
So với năm ngoái, chỉ có một số dòng máy nhập khẩu tăng giá, mức tăng dao động trong khoảng 3 - 5% tùy loại. Bên cạnh các nhãn hiệu quen thuộc như Honda, Elemax (xuất xứ từ Nhật), thì năm nay có thêm nhiều nhãn hiệu mới được nhập về từ Trung Quốc, hoặc hàng lắp ráp trong nước với giá thấp hơn từ 30-40% cụ thể như: Sanda, Lutian, Goldsun… với giá phổ biến từ 12-30 triệu đồng/máy.
Dạo một vòng qua các địa chỉ chuyên bán đồ điện lạnh, điện dân dụng như phố Trường Chinh, siêu thị điện máy Pico plaza…, nhận thấy, giá máy phát điện có sự chênh lệch nhau khá lớn.
Tại cửa hàng phố Tôn Đức Thắng, một chiếc máy phát điện Honda nhập khẩu có giá 22 triệu đồng, trong khi hàng lắp ráp trong nước, chỉ khoảng 8 triệu đồng. Cũng là máy phát của hãng Honda, nhưng tại đại lý máy phát điện tại Mỹ Đình, máy loại 2kVA có giá là 15 triệu đồng.
Bên cạnh hàng nhập khẩu chính hãng có chất lượng tốt, trên thị trường còn xuất hiện máy phát điện do Trung Quốc sản xuất, bán với giá rất rẻ.
Các máy có công suất từ 1KVA đến 5KVA có giá bán dao động từ 2,5 – 4 triệu đồng/chiếc, được bảo hành 3 – 6 tháng, nhưng không được khách hàng ưa chuộng vì máy cồng kềnh, chất lượng kém, tiếng nổ to, phần máy nổ và mô tơ phát điện riêng, phải nối với nhau bằng dàn sắt…
Do sự đa dạng của máy phát điện về chủng loại và giá cả, thậm chí giá cùng một loại máy nhưng ở nhiều cửa hàng có giá chênh lệch từ 300 – 500.000 đồng/máy, thậm chí cao hơn, cho nên người tiêu dùng rất khó khăn trong việc chọn mua được máy ưng ý và hợp với túi tiền.
Theo Hương Nguyễn (Báo Dân Sinh)