Theo chia sẻ từ một số thợ chuyên sửa điều hòa, để hạn chế tình trạng hao hụt tiền điện từ điều hòa, người dùng cần thường xuyên kiểm tra điều hòa để tránh tình trạng hết gas, dàn quạt nóng hư hỏng hoặc máy nén chạy và dừng liên tục do quá tải.
Bên cạnh những công việc trên, anh Nguyễn Trọng Dũng, thợ sửa điều hòa có kinh nghiệm 7 năm tại Hà Nội cho hay, người dùng cũng cần biết thêm những nguyên tắc cần để sử dụng điều hòa vừa mát, lại tiết kiệm điện trong những ngày nắng nóng kinh hoàng.
"Vào những ngày hè, nhiệt độ tăng cao khiến cho căn phòng "bốc hỏa", người dùng cần bật điều hòa ở chế độ Cool, đóng kín cửa, sử dụng điều hòa kết hợp với quạt máy và đặc biệt là không bật tắt quá nhiều để tránh tình trạng hao tổn điện", anh Dũng tiết lộ.
Chia sẻ với báo chí trước đó, PGS.TS Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Nhiệt - Lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, để sử dụng điều hòa tiết kiệm điện, người dùng cần chú ý đến việc cài đặt nhiệt độ.
"Người dùng nên đặt nhiệt độ hợp lý, ví dụ nhiệt độ ngoài trời 35 độ, nhiệt độ cài trong nhà chỉ khoảng 26-28 độ. Các gia đình nên tránh việc để chế độ lạnh quá sâu, điều này không cần thiết và làm tăng tiêu thụ điện năng", ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, việc giảm 1 nhiệt độ trong phòng, khả năng tiêu thụ điện năng của điều hòa tăng từ 1,5 đến 3%.
1. Dùng chế độ Cool, tuyệt đối không chuyển sang chế độ Dry
Nhiều người rỉ tai nhau khi dùng điều hòa hãy để ở chế độ Dry (biểu tượng hình giọt nước) thay cho chế độ Cool để tiết kiệm điện gấp 10 lần. Thế nhưng, theo các chuyên gia điện máy, vào những ngày nắng nóng kinh hoàng thì hãy cài đặt ở chế độ Cool để làm mát căn phòng, tuyệt đối không cài đặt ở chế độ Dry.
Các chuyên gia khẳng định, điều hòa cài đặt ở chế độ Cool sẽ làm căn phòng mát hơn cài đặt ở chế độ Dry. Đặc biệt, trong những ngày trên nắng nóng lên tới trên 40 độ C thì chế độ Dry hầu như không có tác dụng, chúng chỉ làm căn phòng nóng và khó chịu.
2. Không bật tắt điều hòa quá nhiều
Nhiều người có thói quen khi mở điều hòa luôn cài đặt ở nhiệt độ thấp nhất để điều hòa làm mát căn phòng nhanh chóng. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt vì máy điều hòa phải làm việc hết công suất.
Theo như các chuyên gia, tại Việt Nam mức nhiệt độ từ 25 đến 27 độ C là phù hợp với khí hậu cũng như tốt cho sức khỏe. Do đó trong quá trình sử dụng, người dùng nên duy trì nhiệt ở mức này để đảm bảo sức khỏe được tốt, vừa tránh biên độ dao động quá lớn với bên ngoài.
Đồng thời theo các nghiên cứu với mức nhiệt độ này sẽ giúp cường độ hoạt động của máy giảm nên tiết kiệm điện năng hiệu quả.
Để lựa chọn điều hòa thích hợp, người sử dụng cần căn cứ vào diện tích phòng cũng như không gian thiết kế phòng.
Nếu như điều hòa có công suất lớn nhưng diện tích phòng nhỏ sẽ tiêu tốn điện năng, còn ngược lại diện tích phòng lớn nhưng điều hòa có công suất nhỏ sẽ không đủ để làm mát phòng mà đòi hỏi chúng ta phải bật liên tục. Do đó sẽ tiêu tốn điện năng rất nhiều.
3. Đóng kín cửa phòng
Nên tránh sự trao đổi nhiệt với bên ngoài khi sử dụng điều hòa. Bởi, ánh nắng mặt trời có thể làm nhiệt độ phòng tăng lên, do vậy, điều hòa cũng sẽ phải hoạt động nhiều hơn để làm mát phòng.
Ngoài ra, cửa phòng điều hòa cũng nên đóng kín, hạn chế mở cửa, tránh việc máy phải gồng mình làm việc liên tục.
4. Sử dụng điều hòa kết hợp với quạt điện
Khi bật điều hòa nên sử dụng kết hợp với quạt điện để giúp không khí trong phòng được lưu thông tốt và mang lại cảm giác mát mẻ hơn hẳn. Bởi vì quạt điện tạo ra gió giúp tăng cường tác dụng đẩy luồng khí nóng lên trên, đưa luồng khí mát xuống bên dưới, tạo ra hiệu ứng gió mạnh, làm bạn cảm thấy mát mẻ hơn. Đồng thời, sử dụng quạt gió sẽ giúp tránh cảm giác khô, bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình.
Ngoài ra, dùng quạt điện kết hợp còn giúp tiết kiệm điện hơn vì không phải cài đặt nhiệt độ điều hòa ở mức quá thấp.
Theo Hương Nguyễn (Nhịp Sống Việt)