Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, để hạn chế tối đa việc người dân ra đường không cần thiết, hạn chế việc tụ tập đông người, nhiều phường xã ở Hà Nội đã phát phiếu đi chợ cho người dân trên địa bàn. Việc này được áp dụng khoảng hơn một tuần nay trên toàn TP. Hà Nội.
Tuy nhiên, do không đọc kỹ nội dung được ghi trên phiếu nên nhiều bà nội trợ còn bị nhầm lẫn và lúng túng khi cầm phiếu đi chợ. Bởi, không chỉ phải trình phiếu đi chợ mà mọi người còn phải đi đúng phường, đúng ngày, thậm chí đúng giờ, mới được “thông chốt”.
Phiếu đi chợ ngày chẵn và phiếu đi chợ ngày lẻ
Mỗi hộ dân Hà Nội được nhận phiếu đi chợ trong 15 ngày giãn cách xã hội. Trên phiếu ghi rõ họ tên đại diện hộ gia đình, địa chỉ, điện thoại. Mỗi tuần, mỗi hộ có thể đi chợ 3-4 lần, luân phiên vào một khung giờ nhất định. Thời gian đi chợ được khống chế 1-2h một ngày.
Tùy theo sắp xếp của các phường, họ sẽ phân chia theo các ngày 2, 4, 6 và chiều thứ 7 hay 3, 5, 7 và chiều Chủ nhật. Do đó, bà nội trợ hãy đọc thật kỹ thời gian in trên phiếu để có thể đến các điểm chợ mua sắm.
Người dân phường nào đi chợ phường đó
Nhiều bà nội trợ lần đầu sử dụng phiếu đi chợ, do không tìm hiểu kỹ, nên vẫn đến chợ cũ mình hay đi thuộc phường, quận khác. Đây có thể là chợ gần nhà, chợ hay đi quen nên dễ mua đồ. Vì thế, khi cầm phiếu đi chợ phường, quận mình sang phường, quận khác nên không được chấp thuận, mất công quay về đi chợ trên địa bàn.
Thực tế, theo quy định khi phát phiếu, người ở phường nào chỉ được đi chợ ở phường đấy. Ví như người ở phường Hà Trì 1, Hà Đông sẽ chỉ được đi những chợ nằm trong phường Hà Trì 1.
Có phiếu đi chợ theo ngày, phiếu đi chợ theo tuần
Tùy theo mỗi phường mà phiếu đi chợ có giá trị theo ngày hoặc theo tuần. Nếu là phiếu đi chợ theo ngày, sau khi đi xong sẽ thu lại phiếu này.
Với phiếu đi chợ theo tuần, sau 1 tuần sẽ hết hạn và được thu lại để phát phiếu mới. Do đó khi đi chợ, các gia đình cũng cần kiểm tra thật kỹ để tránh nhầm lẫn hay bị thu lại lúc chưa sử dụng hết.
Thậm chí, có nơi quy định khung giờ đi chợ, như từ 7-9h sáng, 4-5h chiều, bà nội trợ lưu ý tránh đi nhầm hoặc để quá giờ.
Phiếu đi chợ sẽ được thu hồi lại sau sử dụng
Sau khi đưa phiếu cho lực lượng kiểm soát tại chợ, phiếu sẽ bị thu lại. Điều này để phòng trường hợp tại chợ có phát sinh các trường hợp F0 thì dựa theo số thẻ thu được, các cấp chính quyền dễ dàng truy vết được các trường hợp có tiếp xúc, liên quan đến ca bệnh, để cách ly hoặc có những biện pháp phòng chống dịch kịp thời.
Một số yêu cầu khác
Hiện nay hệ thống siêu thị, các chợ truyền thống tại Hà Nội đều siết chặt quy định phòng dịch. Cụ thể như duy trì chốt ngoài cổng kiểm soát, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt với khách vào chợ.
Ngoài ra, một số phường còn yêu cầu các tiểu thương ghi nhật ký bán hàng tại chợ với đầy đủ thông tin (họ tên, số điện thoại liên lạc của khách hàng, thời điểm giao dịch trong ngày,... ), phục vụ công tác cách ly, truy vết khi cần thiết.
Dù việc này khiến người tiêu dùng mất thêm thời gian, nhưng tất cả đều nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân khi đi chợ truyền thống, chợ dân sinh.
Một điều lưu ý nữa là trước khi đi chợ, người dân nên lên kế hoạch và ghi rõ những mặt hàng, số lượng thực phẩm cần mua cho gia đình ăn đủ trong 2-3 ngày, tránh trường hợp mua thiếu phải nhờ người khác mua giúp hoặc thừa thì gây lãng phí. Nếu gia đình đông, thực phẩm cần mua số lượng lớn, nên có người đi cùng để xách giúp đồ ra xe, đỡ tay nọ túi kia lích kích rất nặng và vất vả.
Theo Thảo Nguyên (VietNamNet)