Thao túng tiền ảo
Nhà chức trách khu vực Nội Mông, Trung Quốc lên kế hoạch cấm các dự án khai thác tiền ảo và đóng cửa các cơ sở đang hoạt động nhằm cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng.
Tiền ảo Bitcoin trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư khi gần đây giá tăng đột biến. Theo Telegraph, thị trường có khoảng 13% tổng số Bitcoin đang lưu thông - tương đương 80 tỷ USD - nằm trong chỉ hơn 100 tài khoản. Và khoảng 40% Bitcoin đang lưu thông - tương đương 240 tỷ USD - do 2.500 tài khoản nắm giữ.
Chỉ trong một tuần giao dịch, giá trị Bitcoin liên tục nhảy múa. Có thời điểm, giá đồng Bitcoin đã rớt xuống còn 43.522 USD/Bitcoin rồi nhảy lên mức 55.000 USD/Bitcoin. Đồng tiền số lớn nhất thế giới đã ghi nhận giá trị tăng thêm 450 tỷ USD trong năm 2021, lên mức 1.000 tỷ USD, theo số liệu được tổng hợp bởi Bloomberg. Chỉ số Bloomberg Galaxy Crypto - theo dõi cả Bitcoin và 4 đồng tiền số khác, hiện tăng hơn gấp đôi.
Một số chuyên gia cho rằng chính những nhà đầu tư "cá mập" đã thao túng. Elon Musk, ông chủ của Tesla, bị các chuyên gia chỉ trích vì cố tình đăng tweet đẩy giá tiền điện tử trên Twitter. Vào tháng trước, Tesla đã tiết lộ về khoản đầu tư trị giá 1,5 tỷ USD vào Bitcoin.
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) có thể tiếp tục điều tra Musk sau khi ông liên tục đăng bài khiến giá tiền ảo biến động thất thường.
Theo Foxbusiness, SEC chưa xác nhận về cuộc điều tra với Musk. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định những ảnh hưởng trực tiếp của CEO Tesla với sự lên xuống của Dogecoin, cộng thêm việc Tesla đầu tư lớn vào Bitcoin khiến SEC hoàn toàn có đủ căn cứ để mở thêm một cuộc điều tra về hành vi thao túng thị trường.
Trong khi đó, dữ liệu từ Investopedia cho thấy, 40% vốn hóa của tiền ảo Bitcoin hiện nằm trong tay khoảng 1.000 nhà đầu tư Họ là các "cá mập". Chỉ riêng giao dịch của các "cá mập" này cũng có thể gây tác động lớn tới giá Bitcoin, lấn át mọi giao dịch của những nhà đầu tư nhỏ lẻ.
David Gerard, tác giả cuốn sách "Attack of the 50 Foot Blockchain", cho biết "các nhà đầu tư lớn có thể dễ dàng thao túng giá Bitcoin bởi thị trường này vô cùng mong manh".
Theo cuộc khảo sát tháng 2 của bộ phận quản lý quỹ thuộc Bank of America, "mua Bitcoin" được xem là một trong những giao dịch có khối lượng lớn nhất thế giới, cùng với đó là mua cổ phiếu công nghệ và bán khống đồng USD.
Bong bóng đầu cơ
Trong một báo cáo công bố ngày 1/3, ngân hàng Mỹ Citibank nhận định Bitcoin đang ở "điểm bùng phát" giữa việc được chấp nhận rộng rãi hoặc "một vụ bùng nổ bong bóng đầu cơ". Citibank cho rằng, Bitcoin hiện ở điểm nổ và trong tương lai có thể trở thành đơn vị tiền tệ được lựa chọn cho thương mại quốc tế.
Hãng thẻ Mastercard cũng cho hay sẽ sớm đưa một số loại tiền ảo vào mạng lưới thanh toán toàn cầu của mình trong năm nay. Còn hãng thanh toán PayPal cũng có những bước đi lớn khi thể hiện sự ủng hộ với tiền ảo.
Đợt tăng giá mạnh mẽ của Bitcoin trong vài tháng qua đã buộc các tổ chức tài chính tại thị trường Phố Wall thay đổi suy nghĩ về đồng tiền số này. BNY Mellon - ngân hàng lâu đời nhất của Mỹ, hồi tháng trước tiết lộ họ sẽ cung cấp dịch vụ lưu ký bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác. Còn ngân hàng JPMorgan nói rằng họ đang xem xét giá trị của Bitcoin.
Trong khi Bitcoin không ngừng biến động về giá, ngân hàng trung ương các nước cũng đang ráo riết ra mắt tiền số. Chính quyền Thụy Điển cho biết đang nghiên cứu phát hành đồng tiền kỹ thuật số E-Krona sau các cuộc thử nghiệm quy mô lớn, dự kiến kết thúc vào tháng 11/2022.
Người dân Thụy Điển có thể thanh toán cốc cà phê hay một chiếc kem bằng thẻ hoặc điện thoại thông minh tại chi nhánh địa phương của chuỗi quán cà phê lớn nhất đất nước. Nhiều cửa hàng và nhà hàng còn ghi rõ bảng hiệu chỉ chấp nhận thanh toán thẻ hoặc điện tử.
Ngày 7/2 vừa qua, Bắc Kinh (Trung Quốc) phát hành 10 triệu nhân dân tệ tiền kỹ thuật số (khoảng 1,550 triệu USD) cho người dân. Theo Cơ quan giám sát tài chính thành phố Bắc Kinh, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ được phát hành thông qua chương trình quay số may mắn trong các phong bì ảo màu đỏ với giá trị 200 nhân dân tệ mỗi phong.
Việc sử dụng tiền kỹ thuật số đặc biệt được khuyến khích trong các hoạt động thể thao mùa đông vì Bắc Kinh đang chuẩn bị cho việc sử dụng thí điểm thêm hình thức tiền tệ mới trong Thế vận hội mùa đông sẽ diễn ra vào năm 2022.
Trước đó, cơ quan tài chính của một số quốc gia, bao gồm Pháp, Nga và Liên minh châu Âu (EU) có sáng kiến phát triển một loại tiền quốc gia kỹ thuật số. Người đứng đầu Ngân hàng TƯ châu Âu Christine Lagarde nhấn mạnh, tiền quốc gia kỹ thuật số sẽ trở thành một xu thế.
Theo Thư Kỳ (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/bitcoin-lo-ngai-thao-tung-day-gia-tang-cao-716991.html