Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam

25/03/2021 14:13:17

Mặc dù có sự cạnh tranh từ nhiều quốc gia, nhưng các nhà nhập khẩu Mỹ vẫn ưa chuộng sản phẩm gỗ từ Việt Nam.

Theo báo cáo vừa công bố của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Mỹ là thị trường chủ lực đóng góp vào kỳ tích xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm của Việt Nam. VIFORES cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ năm 2020 đạt 7,166 tỷ USD, tăng 34,37% so với năm trước đó, ghi nhận mức tăng cao nhất trong số các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia lâm nghiệp của Tổ chức Forest Trend, thành viên trong nhóm nghiên cứu của VIFORES đánh giá, một trong những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang Mỹ khởi sắc trong năm vừa qua là thị trường nhà ở Mỹ tăng trưởng mạnh, kéo theo nhu cầu về đồ nội thất gia đình tăng. "Đây là cơ hội lớn cho các thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ, trong đó có Việt Nam", TS. Tô Xuân Phúc nhận định.

Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu gỗ số 1 của Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)

Báo cáo của VIFORES cho thấy, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) năm 2020 đạt 12,01 tỷ USD, tăng 16,3 % so với năm trước đó. Các thị trường xuất khẩu chính Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và EU là 5 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Kim ngạch từ 5 thị trường này đạt 10,78 tỷ USD, chiếm 89,7% về trị giá xuất khẩu G&SPG của Việt Nam trong năm.

Đáng chú ý, năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ chiếm 58,1% giá trị xuất khẩu G&SPG của Việt Nam vào tất cả các thị trường.

Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam - 1

Dù xuất khẩu gỗ của Việt Nam có nhiều tín hiệu khởi sắc trong năm qua, song các chuyên gia của VIFORES cũng lên tiếng cảnh báo về một số rủi ro trong lẩn tránh xuất xứ đối với mặt hàng xuất khẩu này, đặc biệt là sản phẩm tủ bếp và ghế ngồi bọc đệm.

Xuất khẩu tủ bếp và bộ phận tủ bếp năm 2020 của Việt Nam vào thị trường Mỹ chiếm 76% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này, đạt 514,53 triệu USD tăng 134% so với năm 2019. Tuy nhiên, VIFORES lưu ý, hai mặt hàng này lại chứa nhiều yếu tố rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Cùng với đó, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro với mức tăng trưởng rất cao là nhóm mặt hàng ghế ngồi bọc đệm. Giá trị xuất khẩu ghế ngồi bọc đệm trong năm 2020 đạt 1,656 tỷ USD, tăng 53% so với năm 2019. Sản phẩm này có kết cấu khung bằng gỗ dán và được bọc đệm bên ngoài.

VIFORES cho rằng, ngành gỗ Việt Nam vẫn chưa vượt qua được những trở ngại từ các thị trường lớn như Mỹ, EU… liên quan đến các biện pháp hoặc hành động có khả năng áp đặt lên hàng hóa G & SPG từ Việt Nam như thuế chống lẩn tránh thuế, thuế AD/CVD…

Chính phủ Việt Nam đang thực hiện Nghị định 102 về Hệ thống Bảo đảm gỗ hợp pháp. Kiểm soát gỗ nhập khẩu từ các nguồn rủi ro là một trong những vấn đề trọng tâm của Nghị định. Do lượng gỗ rủi ro nhập khẩu lớn, loài nhập và nguồn nhập đa dạng. Nghị định quy định các doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện trách nhiệm giải trình, theo đó doanh nghiệp cần thu thập thêm các bằng chứng minh chứng cho tính hợp pháp của nguồn gỗ nhập khẩu. Tuy nhiên, cho đến nay các bằng chứng này vẫn chưa rõ ràng. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý, VIRORES nhìn nhận.

Trước tình hình đó, VIRORES kiến nghị các cơ quan chức năng Việt Nam cần phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp trong việc xác các mặt hàng rủi ro và các công ty có hành vi gian lận. Đồng thời, xây dựng kênh kết nối thông tin giữa các hiệp hội gỗ và cơ quan quản lý nhằm cập nhật thường xuyên thông tin về các dấu hiệu gian lận từ đó xác định các biện pháp can thiệp kịp thời./.

Theo Trần Ngọc (Vov.vn)

Nổi bật