Công bố này được Bộ Tài chính Mỹ nhắc đến trong báo cáo "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ".
Trong báo cáo, Bộ Tài chính Mỹ đưa ra nhận xét tích cực với kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam.
Theo đó, báo cáo tiếp tục xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính dựa trên cơ sở ba tiêu chí: thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.
Hai tiêu chí đầu tiên, gồm thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ không được quá 15 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai tương đương không vượt 3% GDP. Tiêu chí thứ ba dựa trên tổng lượng ngoại tệ mua ròng của ngân hàng trung ương tính trong 12 tháng.
Việt Nam hiện nằm trong “danh sách giám sát” của Bộ Tài chính Mỹ, cùng với 6 quốc gia và vùng lãnh thổ khác gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Malaysia, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) do có hai tiêu chí vượt ngưỡng là thặng dư hàng hoá song phương và thặng dư cán cân vãng lai.
Thặng dư thương mại hàng hóa song phương của Việt Nam với Mỹ đạt 103 tỷ USD vào vào cuối 2023. Việt Nam là nước có thặng dư hàng hóa lớn thứ ba với Mỹ. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào cuối 2023 là 88,1 tỷ USD, chiếm 21% GDP.
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam mua ròng ngoại hối trong 4 quý (tính đến tháng 12/2023) khoảng 7 tỷ USD, tức 1,5% GDP.
Định kỳ mỗi năm hai lần, Bộ Tài chính Mỹ sẽ công bố báo cáo "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ".
Việc Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục khẳng định Việt Nam không nằm trong danh sách giám sát về thao túng tiền tệ là bởi Việt Nam điều hành chính sách vì mục tiêu ổn định kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị của đồng tiền và ổn định nền kinh tế vĩ mô, chứ không phải vì tài trợ cho xuất khẩu để đảm bảo có lợi cho phía Việt Nam mà không có lợi cho phía đối tác.
Tại các cuộc làm việc song phương với NHNN Việt Nam, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá thời gian qua đã duy trì được sự ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức.
NHNN khẳng định luôn điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu xuyên suốt là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)