Tổ chức từ thiện Jubilee Debt Campaign nói rằng một cuộc nghiên cứu về 126 quốc gia đang phát triển đã cho thấy trung bình, các quốc gia này đang dành hơn 10% nguồn thu của mình cho việc trả lãi – mức cao nhất kể từ trước khi G7 đồng ý xóa nợ cho những quốc gia nghèo nhất thế giới tại Gleneagles, Scotland, hồi năm 2005.
Năm trong số những quốc gia trên danh sách của tổ chức từ thiện này – Angola, Lebanon, Ghana, Chad và Bhutan – đang phải chi hơn 1/3 nguồn thu của chính phủ để trả lãi cho các khoản nợ.
Đề tài nợ của các quốc gia đang phát triển đã trở nên ít khẩn cấp hơn sau thỏa thuận Gleneagles, trong đó các quốc gia công nghiệp thuộc nhóm G7 đã đồng ý chi 30 tỉ bảng Anh cho việc xóa những khoản tiền mà 18 quốc gia nghèo nợ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB).
Tuy nhiên, nợ của các quốc gia đang phát triển hiện nay lại đang được giám sát chặt chẽ bởi IMF, nơi đang cho rằng 30 trong số 67 quốc gia nghèo mà họ đánh giá là đang bị khốn đốn vì nợ hoặc có nguy cơ bị như thế.
Lượng tiền cho các quốc gia đang phát triển vay gần như tăng gấp đôi từ năm 2008 đến năm 2014 khi lãi suất thấp ở phương Tây đã dẫn đến một cuộc tìm kiếm các thương vụ đầu tư mang lại lợi suất cao hơn. Giá cả hàng hóa bùng nổ khiến nhiều nước nghèo đã mạnh tay vay vì cứ nghĩ sẽ có các nguồn thu từ thuế bù lại, nhưng rốt cuộc điều đó đã không trở thành hiện thực.
Tuy vậy, Jubilee Debt Campaign nói rằng cuộc bùng nổ - suy thoái ở giá hàng hóa chỉ là một yếu tố đằng sau việc nợ tăng, khi chỉ ra rằng một số quốc gia đang phải trả các khoản nợ do những nhà lãnh đạo độc tài trước đây gây ra, trong khi những quốc gia khác thì đang phải vật lộn với những khoản nợ cao ngất suốt nhiều năm nhưng đã không đủ điều kiện để được trợ giúp. Theo tổ chức này, lãi suất toàn cầu tăng cũng khiến các quốc gia đang phát triển bị tổn thương khi các ngân hàng trung ương rút lại sự hỗ trợ mà họ đã cung cấp kể từ năm 2008.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ tăng lãi suất trong tuần này – khi các thị trường tài chính nghĩ rằng sẽ có hai hoặc ba đợt tăng trong năm 2018.
Tim Jones, một chuyên gia kinh tế tại Jubilee Debt Campaign, phát biểu rằng: "Đối với nhiều quốc gia, các khoản tiền trả nợ đã tăng nhanh do kết quả của một cuộc bùng nổ cho vay và giảm giá hàng hóa. Tình huống này có thể tệ hơn nhiều khi lãi suất đồng USD tăng, và khi những ngân hàng trung ương khác giảm gói kích thích tiền tệ .Việc trả nợ đang làm giảm ngân sách chính phủ khi họ cần phải chi tiền nhiều hơn để đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững".
Những khoản vay của nước ngoài dành cho các chính phủ những quốc gia đang phát triển đã tăng từ 200 tỉ USD/năm trong năm 2008 lên 390 tỉ USD trong năm 2014 và dù kể từ đó đã giảm xuống 300 đến 350 tỉ USD/năm từ giai đoạn 2015 – 2017, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các mức từng được thấy trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Giá hàng hóa đã đạt đỉnh vào giữa năm 2014 và giảm xuống hơn phân nửa suốt 18 tháng tiếp theo. Dù đã có một sự hồi phục từ mức thấp nhất hồi tháng 01/2016, nhưng chúng vẫn còn thấp hơn 40% so với mức đỉnh của mình.
Jubilee Debt Campaign cho rằng giá hàng hóa toàn cầu sụt giảm đã làm giảm thu nhập của nhiều chính phủ mà phụ thuộc vào việc xuất khẩu hàng hóa để có nguồn thu. Ngoài ra, giá hàng hóa yếu hơn đã dẫn tới tỉ giá hối đoái của những quốc gia đang phát triển cũng giảm so với đồng USD, làm tăng kích thước tương đối của những khoản tiền trả nợ vì nợ nước ngoài có khuynh hướng được tính bằng đồng USD.
Angola và Mozambique – hai quốc gia châu Phi ở vùng hạ Sahara phụ thuộc nặng nề vào việc xuất khẩu hàng hóa – đều đã thấy tỉ giá hối đoái của họ bị giảm 50% kể từ năm 2014.
Jones cho rằng đã có một sự thiếu minh bạch trong chuyện nợ đã được trả như thế nào. Và theo ông, những ngân hàng tư nhân nên bị "lãnh hậu quả" từ bất kỳ sự thỏa thuận tái cấu trúc nào.
"Ở đâu có khủng hoảng nợ thì nhiều khả năng là IMF sẽ ra tay giải cứu những ngân hàng bất cẩn, còn quốc gia đó vẫn sẽ bị nợ. Thay vì vậy, các ngân hàng bất cẩn cần bị buộc phải gánh chịu một số chi phí của những cú sốc kinh tế thông qua các khoản trả nợ thấp hơn, để cho phép các chính phủ duy trì việc chi tiêu dành cho các dịch vụ thiết yếu".
Theo Lê Thanh Hải (Trí Thức Trẻ)