Trong một cuộc chiến tranh kinh tế, bên thắng sẽ là bên mất ít nhất. Đợt đối đầu đầu tiên sẽ diễn ra trong tuần này khi mà Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị áp thuế với hàng của nhau, điều này tiềm ẩn rủi ro dẫn đến hàng loạt các biện pháp thuế quan trả đũa gây tổn hại đến tăng trưởng toàn cầu.
“Xét trên nghĩa tuyệt đối, tất cả các bên sẽ cùng mất trong cuộc chiến thương mại. Câu hỏi ở đây là ai sẽ chiến thắng theo nghĩa tương đối”, chuyên gia về Trung Quốc tại viện Peterson chuyên nghiên cứu về kinh tế quốc tế tại Washington, ông Nicholas Lardy, nhận xét.
Việc Mỹ đánh thuế với khoảng 50 tỷ USD hàng Trung Quốc và Bắc Kinh phản ứng lại với chính sách thuế áp với giá trị hàng Mỹ tương đương sẽ có thể lấy đi của Trung Quốc 0,2% GDP, về phía Mỹ, thiệt hại sẽ ít hơn một chút, như vậy xét về cả hai bên, đó đều là một con số vẫn chịu đựng được.
Thế nhưng việc các tranh chấp thương mại tiếp tục dẫn đến cái gì tiềm ẩn rủi ro lớn hơn. Chi phí trực tiếp đối với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn không hề khó dự đoán. Có thể kể đến việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, căng thẳng quân sự leo thang hoặc thiệt hại không thể tính toán được hết.
Nếu có một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện, Bloomberg Economics tính toán rằng nếu Mỹ tăng thuế thêm 10% và chính phủ các nước còn lại trên thế giới phản ứng với mức thuế tương đương, đến năm 2020, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ mất khoảng 0,5%, con số này tương đương 470 tỷ USD, tương đương với sản lượng kinh tế hàng năm của Thái Lan. Mỹ sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn Trung Quốc nếu Mỹ bị tất cả các bên trả đũa.
Nếu tính đến các chỉ số trên thị trường tài chính, nhà đầu tư dường như tin rằng phía Mỹ ít chịu thiệt hại hơn. Chỉ số Shanghai Shenzhen CSI 300 giảm 14% trong năm nay, chịu tác động bởi việc kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng như căng thẳng thương mại tăng cao. Cùng khoảng thời gian trên, chỉ số S&P 500 trong khi đó tăng khoảng 2% nhờ kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt.
Trong khi kinh tế Mỹ hưởng lợi từ chính sách giảm thuế, các doanh nghiệp Trung Quốc chịu thiệt hại khi mà nguồn cung tín dụng chịu hạn chế.
Một điểm khiến phía Mỹ có lợi hơn chính là kinh tế Mỹ phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa hơn nhu cầu từ nước ngoài, như vậy, các rào cản thương mại sẽ ít gây tác động tồi tệ hơn. Xuất khẩu đóng góp 12% vào GDP Mỹ năm 2016, trong khi đó con số này phía Trung Quốc lên đến 20% GDP, theo tính toán của World Bank.
Mỹ có nhiều mục tiêu để tấn công. Trong năm ngoái, Mỹ nhập khẩu 505 tỷ USD hàng từ Trung Quốc nhưng chỉ bán sang Trung Quốc lượng hàng hóa khoảng 130 tỷ USD.
Phía Bắc Kinh tuy nhiên không phải không có gì để chống đỡ. Tính toán từ Deutsche Bank AG cho thấy Mỹ bán tổng giá trị hàng hóa ước khoảng 280 tỷ USD tại Trung Quốc trong năm ngoái thông qua các chi nhánh địa phương.
Những hoạt động này sẽ dễ chịu tổn thương bởi hoạt động tẩy chay của người Trung Quốc, các thủ tục thuế quan và nhiều biện pháp hạn chế khác - Trung Quốc đã từng sử dụng các chiến lược tương tự trong các đối đầu với Hàn Quốc và Nhật.
Chuyên gia phân tích chính trị tại Gavekal Dragonomics ở Bắc Kinh, ông Yanmei Xie, nhận xét: “Chẳng có sản phẩm Mỹ nào bán tại Trung Quốc, hoặc công ty Mỹ nào đầu tư tại Trung Quốc sẽ có thể miễn nhiễm khỏi các biện pháp trả đũa”.
Theo Trung Mến (Bizlive.vn)