Trong khi dầu thô nhập khẩu của Nga chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường dầu của Mỹ, động thái của Mỹ có thể có tác động lớn đến giá nhiên liệu thế giới nếu nhiều nước khác, gồm các quốc gia châu Âu, áp dụng các biện pháp trừng phạt tương tự đối với Nga vì nước này tấn công Ukraine.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tranh luận về việc làm thế nào để đáp lại lời kêu gọi của lưỡng đảng về việc trả đũa Nga mà không làm tăng giá dầu vốn đã cao ngất ngưởng mà từ đó sẽ kéo theo giá khí đốt đi lên.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên hôm 4/3 (giờ Mỹ) rằng, chính quyền đang “xem xét một loạt lựa chọn” nhưng không muốn làm gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu hoặc làm tăng giá xăng dầu.
Giá dầu của Nga thấp và có thể giảm nữa
Hiện tại, nhiều nhà kinh doanh dầu mỏ quốc tế đang tránh mua dầu của Nga. Một doanh nghiệp nhập khẩu nói rằng, giá dầu Nga thấp hơn từ 25-30 USD/thùng so với các loại dầu tương đương của các nước khác. Giá dầu Nga có thể giảm nữa nếu Nga hết chỗ chứa dầu.
Tuy nhiên, giá dầu thế giới hiện vẫn ở mức cao. Hôm 4/3, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn đóng cửa ở mức hơn 118 USD/thùng.
Theo một quan chức Nhà Trắng giấu tên, chính quyền Biden sẽ không dùng các lệnh trừng phạt để ngăn các nước khác mua dầu khí Nga. Thay vào đó, giới chức đang tìm cách hạn chế những mặt hàng Mỹ sẽ nhập khẩu từ Nga.
Ông Robert McNally, chủ tịch của Rapidan Energy Group (Mỹ), một công ty tư vấn năng lượng, nói rằng, lệnh cấm của Mỹ đối với nhập khẩu dầu từ Nga sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn trong triển vọng cung và cầu toàn cầu. Nga chiếm khoảng 3% lượng dầu nhập khẩu của Mỹ vào năm 2020, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
“Nga sẽ bán lượng dầu thô và sản phẩm xăng dầu đó ở nơi khác. Chúng tôi sẽ có thể mua ở một nơi khác”, ông McNally nói. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng, tình trạng tranh mua và thiếu hụt cục bộ sẽ xảy ra; đầu tiên, người ta đổ xô tới Mỹ để nhập khẩu xăng dầu, rồi khi nguồn cung của Mỹ cạn, họ phải tìm đến những nước khác.
Shell, công ty sẽ rút khỏi các liên doanh với Gazprom (thuộc sở hữu nhà nước của Nga) và đường ống dẫn khí đốt Nord Stream II (nối Nga với Đức), nói rằng họ đã ngừng “hầu hết các hoạt động liên quan đến dầu của Nga”. Một phát ngôn viên của Shell cho biết công ty có kế hoạch “giảm hơn nữa việc sử dụng dầu Nga khi có sẵn các loại dầu thô thay thế”. Tuy nhiên, công ty cho biết, hiện tại, thị trường nhỏ hẹp nên “tương đối thiếu các lựa chọn thay thế”.
Lưỡng đảng kêu gọi cấm nhập dầu thô Nga, vũ khí hóa năng lượng
Các nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang gia tăng sự ủng hộ đối với các biện pháp hạn chế, ngăn chặn nhập khẩu năng lượng của Nga. Đầu tiên, các đảng viên Cộng hòa kêu gọi hạn chế nhập khẩu dầu Nga, đồng thời yêu cầu tăng sản lượng dầu và khí đốt trong nước, cùng với việc triển khai các sáng kiến về biến đổi khí hậu.
Chiều 4/3, giá dầu thô WTI ở mức 115,2 USD/thùng, tăng gần 7% trong ngày và tăng hơn 20 USD trong tuần, Oil Price đưa tin. Trong khi đó, dầu thô Brent được giao dịch ở mức 117,7 USD/thùng, tăng gần 6,6% trong ngày và tăng hơn 19 USD trong tuần.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng lên tiếng ủng hộ ý tưởng này. “Tôi ủng hộ điều đó. Cấm đi!”, bà Pelosi nói khi được hỏi về nhập khẩu dầu của Nga tại cuộc họp báo hằng tuần của bà.
Áp lực lên chính quyền Biden gia tăng hôm 3/3 khi một nhóm lưỡng đảng gồm 18 thượng nghị sĩ đưa ra dự luật cấm nhập khẩu năng lượng Nga. Nhóm nghị sĩ này do Joe Manchin III và Lisa Murkowski, hai thành viên Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên của Thượng viện.
“Đây là thời điểm để nước Mỹ vươn cao. Thế giới phụ thuộc vào chúng ta. Năng lượng đã được vũ khí hóa, và về cơ bản, chúng tôi có khả năng chống lại vũ khí đó”, ông Manchin nói với các phóng viên hôm 3/3.
Phóng viên hỏi: “Nếu có một cuộc thăm dò và họ nói ‘Joe, bạn có trả thêm 10 xu cho mỗi gallon để hỗ trợ người dân Ukraine và ngăn chặn sự hỗ trợ của Nga không?’ thì ông trả lời sao. Ông Manchin đáp: “Tôi sẽ sẵn lòng trả thêm 10 xu cho mỗi gallon”.
Sự ủng hộ của đảng Dân chủ đối với việc chấm dứt nhập khẩu năng lượng Nga còn vượt xa ông Manchin. Thượng nghị sĩ John Hickenlooper cho rằng, lệnh cấm sẽ “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mà chúng ta đã thấy thành năng lượng dựa vào mặt trời, gió và nước”; sự tăng tốc trừng phạt sẽ chỉ giúp Mỹ độc lập hơn trước những tình huống tương tự.
Thượng nghị sĩ Rob Portman, một đảng viên Cộng hòa, nhận định, lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga là một động thái thân thiện với môi trường. “Ai nghĩ rằng dầu Nga đang được sản xuất theo cách lành mạnh hơn với môi trường so với dầu Mỹ?”, ông Portman nói với các phóng viên hôm 3/3.
“Cách họ sản xuất bẩn hơn nhiều, sau đó họ phải gửi dầu đến đây bằng tàu. Điều này cũng sẽ tạo ra rất nhiều khí CO2. Vì vậy, quan điểm cho rằng nếu chúng ta cắt nguồn dầu của Nga thì sẽ gây hại cho môi trường sẽ là sai lầm, mà phải ngược lại mới đúng”, ông Portman nói.
Lo ngại giá dầu thô sẽ tiếp tục tăng
Tuy nhiên, một số thành viên đảng Dân chủ tiếp tục lo ngại rằng họ sẽ bị chỉ trích khi áp dụng một chính sách làm tổn hại nguồn thu của Nga nhưng cũng có thể làm tăng giá năng lượng vốn đã tăng vọt. Các thị trường chính của Nga ở Trung Quốc và Ấn Độ có khả năng vẫn sẽ mở, chưa đóng lại.
Trong khi đó, châu Âu có thể cảm thấy gánh nặng của lệnh cấm quốc tế. Nhìn chung, Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và khoảng 60% trong số đó xuất sang châu Âu. Ông McNally nói: “Giá dầu thô sẽ tiếp tục tăng đến khi rủi ro biến mất hoặc suy thoái kinh tế xảy ra. Đây là một phép toán tàn bạo”.
Lãnh đạo phe đa số trong Thượng viện Charles Schumer đang xem xét đề xuất cấm nhập khẩu dầu Nga. Nhiều nghị sĩ của cả hai đảng đang thúc giục các công ty dầu khí Mỹ tăng cường sản xuất.
Theo Thái An (Tiền Phong)