Mỹ áp thuế 46%, doanh nghiệp Việt phải làm sao?

03/04/2025 15:21:13

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố một loạt biện pháp thuế quan mới, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với mức thuế lên tới 46%. Động thái này được cho là sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là với các doanh nghiệp (DN) đang xuất khẩu các ngành hàng chủ lực vào Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 (giờ địa phương) tuyên bố áp thuế quan có đi có lại - hay còn gọi là thuế đối ứng - ở mức ít nhất 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có hàng chục quốc gia phải chịu thuế suất cao hơn. Danh sách các nền kinh tế phải chịu thuế đối ứng cao hơn bao gồm những đối tác thương mại thuộc hàng lớn nhất của Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Mỹ áp thuế 46%, doanh nghiệp Việt phải làm sao?
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 tuyên bố áp thuế 46% với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam

Vượt xa các kịch bản

Theo kế hoạch được công bố, Trung Quốc sẽ bị áp thuế quan đối ứng 34% ngoài thuế quan bổ sung 20% mà ông Trump đã áp lên hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống này của ông. Các đồng minh thân cận của Mỹ cũng không tránh được thuế đối ứng, như Liên minh châu Âu (EU) bị áp mức thuế 20%, Nhật Bản 24%, Hàn Quốc 25%... Việt Nam bị áp mức thuế lên đến 46%.

Động thái này được cho là sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, điện tử và nông sản.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) chia sẻ với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn rằng mức thuế quan này cao hơn nhiều so với dự báo trước đó. Theo ông, hai kịch bản có thể xảy ra là hoặc áp dụng mức thuế ngang bằng với Trung Quốc, hoặc giữ nguyên nhóm không bị áp thuế. Tuy nhiên, mức 46% hiện tại đặt ra thách thức quá lớn cho DN Việt Nam.

"Nếu không thể đàm phán lại, mức thuế này có thể giáng một đòn mạnh vào các tập đoàn thời trang, nội thất, nông sản... Một mức thuế trong khoảng 20 - 25% sẽ hợp lý hơn trong bối cảnh hiện nay", ông nhận định.

Mỹ áp thuế 46%, doanh nghiệp Việt phải làm sao? - 1
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đây là mức thuế gần như "chặn cửa" đối với hàng hóa Việt Nam

TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia cho rằng, việc Mỹ áp mức thuế 46% cho 90% hàng hóa từ Việt Nam là mức thuế hủy diệt. Mức thuế này sẽ ảnh hưởng đến nhiều góc độ khác nhau của nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đây là mức thuế gần như "chặn cửa" đối với hàng hóa Việt Nam, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu các ngành hàng chủ lực. Không chỉ làm gia tăng gánh nặng chi phí, mức thuế này còn khiến DN rơi vào thế bị động, lo ngại rủi ro pháp lý và khó khăn trong việc lập kế hoạch sản xuất, đầu tư và mở rộng thị trường.

Đặc biệt, việc áp thuế cao khiến Việt Nam đánh mất lợi thế cạnh tranh - vốn được xem là điểm đến hấp dẫn nhờ chi phí hợp lý và chất lượng tốt. Trong bối cảnh này, hàng hóa Việt Nam có nguy cơ bị lép vế trước các đối thủ như Canada, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Thái Lan, những nước đang hưởng mức thuế ưu đãi hơn.

Thách thức quá lớn với DN Việt

Là DN có 40% sản lượng dệt may xuất khẩu sang Mỹ, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, Phó chủ tịch Thường trực Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM - chia sẻ với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn rằng ngành dệt may hiện duy trì mức lợi nhuận từ 7 - 10%. Nếu mức thuế mới được áp dụng, lợi nhuận gần như sẽ bị xóa sổ, tạo ra thách thức vô cùng lớn.

Dù thời gian qua, các DN dệt may đã chủ động tìm kiếm thị trường mới, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs), nhưng sự thay đổi đột ngột và mức thuế quá cao khiến họ khó có thể xoay sở kịp. Việc dịch chuyển thị trường tuy đã có sự chuẩn bị, nhưng không thể diễn ra nhanh chóng trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, theo ông Việt, mức thuế này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam so với các đối thủ như Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Mexico - những nước đang hưởng mức thuế thấp hơn.

Mỹ áp thuế 46%, doanh nghiệp Việt phải làm sao? - 2
Nếu mức thuế mới được áp dụng, lợi nhuận của ngành dệt may gần như sẽ bị xóa sổ, tạo ra thách thức vô cùng lớn

Chính sách thuế mới mà Mỹ dự kiến áp dụng có thể tạo áp lực lớn lên các DN sản xuất lương thực, thực phẩm. Bà Phạm Thị Bích Phượng - Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Thực phẩm Sao Khuê (SK Foods), nhận định mức thuế 46% là một diễn biến khó lường từ phía chính quyền Mỹ, là thách thức quá lớn với DN Việt.

Bà Phượng lấy ví dụ nếu mức thuế 46% được áp dụng, giá bán lẻ tại Mỹ của một gói mì hoặc nui có thể tăng lên 3,4 - 3,6 USD, khiến các nhà nhập khẩu có thể dừng đơn hàng hoặc ép giá xuống, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu.

Các đơn hàng OEM (sản xuất nhãn trắng) cũng đối diện rủi ro lớn, khi đối tác có thể chuyển sang các nước như Thái Lan, Philippines hoặc Peru để giảm chi phí. Điều này có thể khiến SK Foods cũng như các DN Việt khác mất đi những đơn hàng ổn định từ các chuỗi siêu thị châu Á tại Mỹ.

Ngoài ra, theo bà Phượng, nếu giá sản phẩm tăng, doanh số trên các kênh bán trực tiếp như Amazon hay website riêng có thể giảm mạnh, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của thương hiệu. Nếu không có chiến lược ứng phó kịp thời, SK Foods hay nhiều thương hiệu Việt có nguy cơ bị loại khỏi giỏ hàng của người tiêu dùng Mỹ.

"Một tác động đáng lo ngại khác là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, đặc biệt với những sản phẩm được trồng và sản xuất theo yêu cầu riêng cho thị trường Mỹ. Nếu đơn hàng giảm hoặc bị ngưng, nông dân, hợp tác xã và nhà máy sơ chế cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề", bà Phượng nói.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân: Đa dạng hóa thị trường, tích cực đàm phán thương mại

Thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ luôn là một vấn đề nhạy cảm. Đến nay, động thái rõ nét nhất từ chính quyền Trump 2.0 là mức thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam.

Để giảm thiểu tác động từ chính sách này, DN Việt cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào Mỹ - điều có thể khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước những biến động chính sách.

Bên cạnh đó, việc đàm phán để đạt được mức thuế hợp lý hơn là cần thiết, nhằm hạn chế những cú sốc quá lớn đối với DN và nền kinh tế Việt Nam.

LS. Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại TP.HCM:

Các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) có thể là giải pháp để các DN tận dụng mở rộng thị trường khi Mỹ áp thuế quá cao.

Trong bối cảnh các chính sách khó lường, nếu không tích cực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, DN Việt Nam có nguy cơ bị phụ thuộc quá mức vào một số thị trường lớn, dẫn đến rủi ro cao khi chính sách thay đổi đột ngột.

Việc khai thác tốt các FTAs không chỉ giúp mở rộng thị trường mà còn tạo lợi thế cạnh tranh nhờ hưởng mức thuế ưu đãi, tiếp cận nguồn nguyên liệu đa dạng và gia tăng khả năng kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, chủ động tìm kiếm đối tác và điều chỉnh chiến lược kinh doanh linh hoạt...

Thủ tướng họp với các bộ ngành về thuế đối ứng của Mỹ

Cũng ngay trong sáng 3/4 (giờ Việt Nam), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thời gian qua Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, tổng thể về chính trị, ngoại giao, kinh tế, giao lưu nhân dân để ứng phó với tình hình. Theo Thủ tướng, việc Mỹ áp thuế là chưa phù hợp với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, mong muốn của người dân hai bên và những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm qua trong bối cảnh đại dịch, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng…

Cùng với việc chỉ đạo một số biện pháp tổng thể, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, vừa trước mắt, vừa lâu dài với Mỹ, Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.

Theo Hưng Khánh (Doanh Nhân Sài Gòn)

 

Nổi bật