Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 28-5 về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016, ông Hoàng Văn Cường chỉ ra 3 dạng thất thoát, thiệt hại tài sản tại các DNNN.
Thua lỗ nhưng không ai mất chức, đi tù
Dạng thất thoát thứ nhất chính là kinh doanh kém hiệu quả, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, chủ yếu do trình độ yếu kém và động cơ thu vén cá nhân, cố tình tính giá trị đầu tư lớn hơn để nhận được phần trăm, dùng thủ đoạn để hợp pháp hóa việc rút tiền từ DNNN.
"Nguyên nhân nữa là dù doanh nghiệp lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, chưa ai mất chức hay đi tù vì quản lý yếu kém. Chưa thấy doanh nghiệp nào báo cáo đầy đủ chuyện lỗ lãi. Thậm chí có doanh nghiệp khi cần tăng quỹ lương thì ngay lập tức báo cáo lãi, còn giải trình nộp thuế thì sẽ báo cáo lỗ", đại biểu Hà Nội nói.
"Báo cáo tài chính của doanh nghiệp như một phép thần thông biến hóa. Doanh nghiệp lỗ nhưng cán bộ quản lý vẫn được hưởng lương cao. Khi doanh nghiệp lãi thì tăng lương nhưng khi lỗ cũng không bị giảm lương. Vì thế những người quản lý không muốn cổ phần hóa DNNN".
Và điều đại biểu Cường bức xúc hơn cả là thất thoát, lỗ của DNNN ai cũng biết nhưng bộ máy thanh tra, kiểm tra, kiểm soát lại không phát hiện ra.
Mua giá cao, bán giá thấp
Nghịch lý này là dạng thất thoát thứ hai. "Mua bán tài sản nhà nước cứ theo một công thức là mua giá cao và bán giá thấp hơn của tư nhân. Chúng ta đã có cơ chế tổ chức đấu giá độc lập để minh bạch hóa đấu giá tài sản nhưng vì sao vẫn xảy ra hiện tượng này?", ông Cường đặt câu hỏi.
Đại biểu Hà Nội cho rằng nếu khảo sát kỹ sẽ thấy một sự việc rất kỳ lạ: Giá cơ quan tư vấn thường rất sát với giá khi mang ra đấu giá tài sản, việc lựa chọn cơ quan định giá và đấu giá đều qua quy trình "khách quan" nhưng thường các cơ quan này được lựa chọn tương đối trùng lặp.
Ông Hoàng Văn Cường chỉ ra việc có những nhóm người chuyên tham gia đấu giá vào một số lĩnh vực.
"Phải chăng cơ quan làm chức năng đấu giá, định giá không biết việc này? Việc lập dự án sai, định giá sai, thẩm định giá sai… chưa có tổ chức nào bị xử lý", ông Cường nói.
Định giá thấp khi chuyển từ đất công sang đất tư
Dạng thất thoát thứ ba, ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, liên quan rất nhiều đến đất đai: "Cái này nổi lên khi chuyển đất công thành đất tư không qua đấu thầu mà chỉ định giá trực tiếp hoặc xác định giá đất khi cổ phần hóa không thực hiện đúng quy định của luật đất đai. Sử dụng chủ yếu theo bảng giá thuộc UBND các tỉnh làm giá thấp hơn".
"Ngoài trách nhiệm định giá đất đai thấp, việc chuyển đất công sang đất tư, trách nhiệm của tổ chức cổ phần hóa còn có trách nhiệm của UBND, cơ quan quản lý đất đai ở các địa phương", đại biểu Hà Nội nhấn mạnh.
Đề cập vấn đề đang rất thời sự là việc hình thành các đặc khu kinh tế, ông Hoàng Văn Cường nêu việc đề xuất chính sách miễn tiền sử dụng đất cho các dự án có mục đích sử dụng đất 15-30 năm.
"Chính sách này đang đi ngược lại quy luật cung cầu đất đai. Tôi e ngại rằng chính sách này không những không thu hút tốt các nhà đầu tư cạnh tranh mà có thể làm thất bại quá trình cạnh tranh lành mạnh giữa các đặc khu", đại biểu Hoàng Văn Cường cảnh báo.
Có hiện tượng "kền kền ăn xác chết"
Chưa hết, khi doanh nghiệp thua lỗ bán tài sản máy móc thiết bị, lại tiếp tục là cơ hội làm ăn béo bở cho một nhóm người mà theo ông Cường ví von là "không khác nào kền kền ăn xác chết".
"Tôi thấy cần phải thanh tra, kiểm tra các vụ việc bán tài sản nhà nước và kiểm tra các tổ chức có chức năng định giá, thẩm định giá và đấu giá. Phải quy trách nhiệm cho các đơn vị này tiếp tay cho việc thất thoát tài sản nhà nước", đại biểu Hà Nội kiến nghị.
Theo Viễn Sự (Tuổi Trẻ)