Chưa đầy 1 năm, đã có tới 3 lần Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật thuế theo hướng tăng mức thuế của nhiều sắc thuế như thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng, dầu; thuế GTGT (VAT) với nhiều mặt hàng. Đồng thời, áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với nhiều loại hàng hóa.
“Tăng khung thuế môi trường xăng dầu để bảo vệ lợi ích quốc gia”
Đó là quan điểm của ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) tại họp báo quý I.2017 của Bộ Tài chính diễn ra chiều 10.4.2017.
Theo thông tin do ông Thi cung cấp lúc đó, Bộ Tài chính không chỉ đề xuất sửa đổi khung thuế suất BVMT đối với mặt hàng xăng dầu mà còn với cả nilon, dung dịch HCFC... những loại hàng hóa gây tác động xấu đến tầng ozon.
Trước câu hỏi của phóng viên: “Tại sao phải điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu?”, ông Thi nhấn mạnh, thuế nhập khẩu đang bị cắt giảm theo thỏa thuận quốc tế, còn giá bán lẻ xăng dầu Việt Nam lại thấp hơn các nước có chung đường biên giới và nhiều nước trong khu vực. Đây chính là lý do khiến Bộ Tài chính phải đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT với mặt hàng này.
“Sau khi phân tích tình hình trên thị trường xăng dầu thế giới, giá xăng dầu Việt Nam so với các nước trên thế giới cũng như các nước có biên giới liền kề. Chúng tôi nhận định rằng nếu không điều chỉnh thuế BVMT với xăng dầu sẽ gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia. Một biểu hiện cụ thể là các doanh nghiệp xăng dầu trong nước đã cùng các đối tác xuất khẩu nước ngoài rục rịch điều chỉnh giá xăng dầu”, ông Thi nói.
Tới một cuộc họp báo khác diễn ra chiều 26.5.2017, quan điểm này tiếp tục được ông Phạm Đình Thi nhắc lại.
“Việc tăng khung thuế để bảo đảm lợi ích quốc gia trong trường hợp giá dầu thế giới có biến động lớn; tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới. Đồng thời, nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường; bảo đảm thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường”.
Áp thuế TTĐB với nước ngọt vì 25% dân số trưởng thành béo phì
Đây là nội dung được đưa ra tại cuộc họp báo chuyên đề “Giới thiệu Dự án Luật sửa 5 Luật Thuế” do Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 15.8.2017.
Trong cuộc họp, Bộ Tài chính cho biết đã đề nghị bổ sung nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền đóng gói, trừ nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019.
Theo lý giải của đại diện Bộ Tài chính, đồ uống có đường là loại nước giải khát được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng năng lượng nạp vào cơ thể, tăng cân và béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu đến cơ thể bao gồm tim mạch và tiểu đường.
Bộ Tài chính cũng dẫn thống kê cho biết, ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh không lây nhiễm…
Tăng thuế VAT từ 10% lên 12% không tác động lớn tới người nghèo
Trong khuôn khổ chương trình “Cập nhật một số nội dung về lĩnh vực tài chính-ngân sách cho phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí theo dõi ngành Tài chính”, trước những ý kiến cho rằng, nếu tăng thuế VAT khiến người nghèo, người thu nhập thấp chịu gánh nặng nhiều hơn người giàu.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thu cho biết: “Rau, thịt có chịu thuế GTGT đâu. Những mặt hàng không chịu thuế VAT dù VAT tăng bao nhiêu cũng không ảnh hưởng gì.
Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2014 của Tổng cục Thống kê cho thấy, đối với nhóm thu nhập thấp nhất thì dành tới 59,6% thu nhập để chi mua lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục; ngược lại nhóm thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% tổng thu nhập để chi cho các hàng hóa, dịch vụ trên. Các hàng hóa, dịch vụ này đều thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế GTGT sẽ không ảnh hưởng đến chi tiêu của nhóm hàng hóa, dịch vụ này.
Như vậy, việc tăng thuế suất thuế GTGT từ mức 10% lên mức 12% tác động không lớn đến chi tiêu của hộ gia đình có thu nhập thấp”.
Tăng thuế BVMT với xăng dầu để bù đắp lại nguồn thu ngân sách
Gần đây nhất, khi Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo trình Chính phủ dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thuế BVMT đối với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg từ ngày 1.7.2018 gây nhiều phản ứng trái chiều.
Ông Phạm Đình Thi tiếp tục thông tin tới cho báo chí. Ông Thi cho biết, đối với xăng dầu, hiện nay, chúng ta đang thực hiện các FTA và thuế nhập khẩu đang giảm rất nhanh. Nguồn thu từ thuế BVMT với xăng dầu là 1 nguồn để bù đắp lại nguồn thu ngân sách.
Tuy nhiên, phải xét trên giác độ BVMT có thể thấy, xăng dầu cũng như túi nilon, HCFC là những mặt hàng khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường. Bản thân các mặt hàng này, không chỉ nước ta mà các nước trên thế giới đều quy định riêng sắc thuế với xăng dầu để khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nói đến xăng, từ 1.1.2018, Việt Nam không sử dụng xăng A92 nữa mà sử dụng xăng E5. Đó là một cách bảo vệ môi trường.
Mặt khác, giá xăng dầu của Việt Nam hiện nay so với các nước có chung đường biên giới, các nước châu Á cũng như một số nước thế giới ở mức thấp. Theo xếp hạng 167 nước thì Việt Nam đứng thứ 45 từ thấp đến cao. Như vậy, giá bán lẻ của chúng ta thấp hơn 122 nước.
Theo Nguyên Phương (Dân Việt)