Vì sao chậm điều chỉnh giá?
Giải thích vì sao phải chờ đến 11/2 mới điều chỉnh giá xăng dầu thay vì ngày 1/2, ông Trần Duy Đông Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng ngày 28/1, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ phân tích rất rõ tình hình thế giới, tình hình trong nước. Trong đó, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ này lựa chọn thời điểm điều hành giá xăng dầu phù hợp cho kỳ điều hành tới theo quy định tại khoản 27 điều 1 nghị định 95 (tức không đợi đến ngày 11/2-PV).
Điều này nhằm giảm áp lực cho các doanh nghiệp khi giá thế giới tăng cao. Tuy nhiên, đây là thời điểm nhạy cảm nên đề xuất này chưa nhận được sự đồng thuận của các bộ ngành, trong đó có nỗi lo về lạm phát tăng.
“Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trong cuộc họp Chính phủ cũng phân tích rất kỹ Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1. CPI tháng 1 tăng 1,94%, lạm phát cơ bản tăng 0,66%. Trong khi đó, giá xăng dầu tác động lớn đến CPI nên các thành viên Ban chỉ đạo điều hành giá cũng rất cân nhắc. Tóm lại, Chính phủ và Liên Bộ rất cân nhắc để điều hành làm sao hài hoà lợi ích của người dân, doanh nghiệp cũng như mục tiêu kiểm soát vĩ mô”, ông Đông chia sẻ.
Ngoài ra, ông Đông cho rằng: Nếu điều hành sớm, giá xăng giảm thì không vấn đề gì; nhưng nếu theo hướng tăng giá xăng như bối cảnh lúc đó cũng gặp phải áp lực dư luận rất lớn.
Trước đây, Nghị định 83 không cho phép điều hành sớm giá xăng dầu, nhưng tại Nghị định 95 có điều khoản đặc biệt là nếu giá xăng dầu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế - xã hội thì Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét thời điểm điều hành.
Nguồn cung vẫn thiếu cục bộ
Trước hiện tượng thương nhân đầu mối, cửa hàng xăng dầu "găm hàng" chờ tăng giá, dẫn đến thiếu hụt xăng dầu cục bộ, ông Trần Duy Đông cho biết: Quan điểm của Bộ Công Thương là xử lý nghiêm các DN kinh doanh xăng dầu ở tất cả các khâu, như thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ nếu có hành vi găm hàng không muốn bán ra, chờ tăng giá.
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo tất cả các tuyến để nắm bắt tình hình. Ở Trung ương, Bộ trưởng Công Thương đã ký thành lập 3 đoàn kiểm tra để đi xuống địa phương. Ở cấp địa phương, Bộ cũng vừa ký công văn gửi UBND các tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương làm tốt công tác này, phối hợp với các lực lượng như công an, hải quan, Ban 389 địa phương làm tốt việc kiểm tra, giám sát.
“Ở góc độ các doanh nghiệp, cũng phải chia sẻ với các doanh nghiệp xăng dầu khi nguồn cung bị đứt gãy vì vấn đề lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất. Ngoài ra, giá nhập khẩu tăng cao khiến doanh nghiệp vừa nhập về đã lỗ.”, ông Đông nói.
Ông Trần Duy Đông:
Đại bộ phận doanh nghiệp xăng dầu vẫn làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình về công tác dự trữ, bảo đảm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, thực hiện các chỉ đạo của Bộ. Chỉ một vài doanh nghiệp không làm tốt điều này.
Quan điểm của Bộ Công Thương là qua công tác thanh kiểm tra nếu đầy đủ bằng chứng, cơ sở pháp luật thì cũng nên có biện pháp sàng lọc để thị trường lành mạnh hơn.
Ngược lại, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, tại thời điểm này, các doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với mục tiêu kinh tế vĩ mô của nhà nước, chia sẻ với lợi ích của 100 triệu dân.
“Nguyên tắc chung của Bộ là yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện đúng các quy định về dự trữ, bán hàng, không có hiện tượng tâm lý găm hàng hay hạn chế bán ra ảnh hưởng đến nguồn cung phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân”, ông Đông nói và khẳng định “các doanh nghiệp có những áp lực nhất định”.
Đánh giá tình hình cung ứng xăng dầu sau kỳ tăng giá ngày 11/2, ông Trần Duy Đông cho hay hiện tình hình có tốt hơn so với cách đây một tuần. Tuy nhiên, việc thiếu hụt cục bộ chưa hoàn toàn được khắc phục vì rõ ràng. Bởi lẽ, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn mới vận hành 55% công suất, hàng nhập khẩu vẫn chưa được bổ sung đầy đủ. Do đó, phải khẳng định dù nguồn cung trên thị trường tốt hơn nhưng chưa hoàn toàn chấm dứt việc một số cửa hàng, một số thương nhân, một số nơi có thể thiếu hàng cục bộ.
Cân nhắc giảm thuế phí
Trước các yếu tố về địa chính trị Nga, Ukraina, giá xăng dầu vẫn tiếp tục đang biến động phức tạp. Theo ông Đông, điều này cũng ảnh hưởng ngay tới xu hướng giá trong nước kỳ điều hành sắp tới.
Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước nhận định tình hình cung ứng xăng dầu vài ngày tới sẽ tốt hơn khi hàng nhập khẩu về nhiều hơn.
Nếu giá xăng dầu tiếp tục leo thang, giả sử giá dầu thô vượt 100 USD/thùng, ông Đông cho rằng ngoài việc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá thì phải tính đến công cụ khác là thuế phí.
“Nếu giá xăng dầu cao quá sẽ làm vô hiệu hoá một số công cụ, chính sách đang triển khai trong Chương trình phục hồi kinh tế, kể cả việc giảm thuế VAT 2%”, đại diện Bộ Công Thương nhận định và cho rằng phải tính đến sử dụng công cụ thuế phí khi Quỹ bình ổn giá xăng dầu có hạn.
Thực tế, nhiều năm nay Bộ Công Thương đã kiến nghị giảm thuế phí trong một lít xăng dầu, nhưng Bộ Tài chính vẫn chưa đồng thuận vì nguồn thu từ thuế phí xăng dầu đóng góp lớn cho ngân sách.
Để đảm bảo nguồn cung, ngày 14/2, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải báo cáo lượng xăng dầu đã ký kết trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu trong nước để cung cấp cho thị trường năm 2022, lượng xăng dầu thực tế các đơn vị trong nước đã giao từ đầu năm 2022 đến nay, cập nhật kế hoạch cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2022 theo từng chủng loại xăng dầu, kế hoạch về nguồn nhập khẩu theo từng chủng loại xăng dầu và theo từng nguồn đến 31/12/2022.
Đây là cơ sở để Bộ Công Thương có căn cứ xác định cơ cấu nguồn và thực hiện điều chỉnh phân giao tổng nguồn, hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu năm 2022 nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước ổn định trong mọi tình huống.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)