Cuối ngày 11-2 (mùng 2 Tết), giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào ở 77,5 triệu đồng/lượng, bán ra ở 78 triệu đồng/lượng, ổn định so với buổi sáng. Giá vàng SJC có sự chênh lệch giữa các doanh nghiệp khi nhiều công ty, ngân hàng tạm ngừng giao dịch trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại cũng được duy trì ở mức cao. Theo đó, vàng nhẫn thương hiệu SJC, PNJ được giao dịch quanh 63,4 triệu đồng/lượng mua vào và 64,6 triệu đồng/lượng bán ra. Trong khi đó, vàng nhẫn của các tiệm vàng khác được giao dịch ở mức thấp hơn - với 62,8 triệu đồng/lượng mua vào và 63,3 triệu đồng/lượng bán ra.
Một số tiệm vàng ở TP HCM cho biết trong 2 ngày Tết âm lịch, giá vàng SJC cũng như nhu cầu giao dịch loại vàng này gần như "bất động". Song, nhu cầu giao dịch vàng nhẫn, nữ trang các loại vẫn có khi người dân có tâm lý mua vàng lấy may dịp đầu năm. Nhu cầu tăng khiến giá vàng nhẫn, vàng nữ trang trong nước tăng cao hơn thế giới 3 - 4 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng đóng cửa tuần giao dịch ở mức 2.029 USD/ounce, giảm mạnh khoảng 10 USD/ounce so với cuối tuần trước. Những ngày qua, giá vàng thế giới liên tục đi xuống, hướng về vùng 2.000 USD/ounce.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích: Nhu cầu mua vàng nhẫn, vàng trang sức vẫn có nhưng rủi ro lớn nhất trong lúc này chính là giá vàng trong nước chênh lệch quá cao so với thế giới. Giá vàng SJC hiện có mức chênh lệch so với giá vàng thế giới lên đến 18-19 triệu đồng/lượng.
"Giá vàng thế giới có xu hướng tiếp tục tăng trong năm 2024 khi Mỹ và nhiều nước kiểm soát được lạm phát và đang theo lộ trình cắt giảm lãi suất. Môi trường lãi suất thấp và lợi suất trái phiếu chính phủ giảm sẽ kích thích dòng tiền chảy vào vàng. Thị trường đang chờ đợi thông tin từ chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong những ngày tới" - ông Phương bình luận.
Theo Thái Phương (Nld.com.vn)