Giá vàng rơi mạnh, giảm hơn 10 triệu đồng/lượng trong vài ngày
Sau khi giảm mạnh trong phiên cuối tuần trước, giá vàng miếng SJC tiếp tục giảm sâu trong phiên đầu tuần mới 3/6 trong bối cảnh 4 ngân hàng thương mại nhà nước tổ chức bán vàng trực tiếp cho người dân.
Sáng 3/6, giá vàng miếng SJC giảm 2 triệu đồng mỗi lượng, còn 79-81 triệu đồng/lượng (mua-bán).
Tới chiều 3/6, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV) bán vàng miếng SJC ra ở mức 79,98 triệu đồng/lượng. Tại SJC, giá vàng cũng được điều chỉnh giảm xuống 79,98 triệu đồng/lượng (giá bán) và mua vào còn 77,98 triệu đồng/lượng.
Các ngân hàng triển khai bán vàng miếng cho người dân với giá chênh chỉ 1 triệu đồng so với giá mua trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm bình ổn thị trường vàng. Giá bán vàng miếng SJC của NHNN là 78,98 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng SJC đã giảm rất mạnh. So với đỉnh cao 92,5 triệu đồng/lượng (giá bán) ghi nhận hôm 10/5, giá vàng đã giảm 12,5 triệu đồng mỗi lượng, tương đương mức giảm là 13,5%.
Mức giá 79-80 triệu đồng/lượng được đánh giá là khá hấp dẫn, khi nhu cầu vàng gần đây khá cao. Nhiều người tranh thủ mua vàng trả các khoản nợ vay bằng vàng trước đó.
Cũng nhiều người chỉ đến xem rồi ra về, chưa mua, với kỳ vọng giá vàng còn giảm tiếp.
Tại nhiều điểm ngân hàng bán vàng chiều 3/6, sức cầu đã vượt dự tính. Một số nơi hết vàng chỉ sau một lúc mở bán.
Với những người mua vàng ở vùng đỉnh, khoản lỗ rất lớn.
Trong khoảng hai tuần qua, trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay cũng giảm khá mạnh, từ đỉnh cao lịch sử 2.450 USD/ounce hôm 20/5 xuống còn dưới 2.330 USD/ounce vào ngày 3/6 (tương đương giá quy đổi khoảng 72,1 triệu đồng/lượng).
Cùng với sự suy yếu của giá vàng thế giới và nỗ lực ổn định thị trường của NHNN, giá vàng miếng SJC đã giảm hơn 12 triệu đồng/lượng. Nhiều người đã nghĩ về khả năng vàng giảm thêm 4-5 triệu đồng nữa, về ngang với giá thế giới quy đổi cộng thuế phí và lợi nhuận khiêm tốn, giá vàng sẽ ở khoảng 75 triệu đồng/lượng.
Nếu giá trong nước ngang với giá thế giới thì những người đu đỉnh 92,5 triệu đồng/lượng có thể phải chờ giá vàng thế giới lập đỉnh cao kỷ lục mới, ở mức 3.000 USD/ounce (tương đương 93 triệu đồng/lượng) mới có khả năng hòa vốn.
Vàng SJC liệu có về 75 triệu đồng/lượng?
Về lý thuyết, giá vàng miếng SJC hoàn toàn có thể về mức 75 triệu đồng/lượng hoặc thậm chí thấp hơn nếu mức chênh với thế giới về 0 hoặc/và giá thế giới giảm tiếp.
Tính tới 15h50' chiều 3/6, giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á ở mức 2.327 USD/ounce (tương đương 72,1 triệu đồng/lượng tính theo tỷ giá Vietcombank). Giá vàng thế giới được dự báo vẫn chịu áp lực giảm trong mùa hè năm nay, có thể tới hết tháng 6, thậm chí lâu hơn nếu Mỹ chưa hạ lãi suất và đồng USD treo cao.
Tính tới chiều 3/6, mức chênh giá vàng SJC trong nước với giá vàng thế giới chỉ còn khoảng 7,9 triệu đồng/lượng.
Trong quá khứ, có nhiều thời điểm giá vàng miếng SJC trong nước ngang với giá vàng thế giới quy đổi. Cụ thể, trong khoảng nửa cuối năm 2019 và nửa đầu năm 2020, giá vàng trong nước và thế giới gần như không chênh nhau, có thời điểm giá vàng trong nước thậm chí còn thấp hơn giá thế giới quy đổi.
Điều này có nghĩa là vàng miếng SJC thời gian tới vẫn có khả năng về mức 70-72 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, với tình cảnh như hiện nay, nhiều chuyên gia không kỳ vọng điều này xảy ra do nguồn cung trong nước khá thấp. Sức cầu dù không lớn thì khả năng cân bằng cung - cầu khó có thể xảy ra. Trong 10 năm qua, NHNN chưa cấp phép nhập khẩu thêm vàng.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, cho rằng, với mức giá vàng quốc tế khoảng 72-73 triệu đồng/lượng thì giá bán ra mức 80 triệu đồng/lượng là tuyệt vời, chỉ chênh lệch 5-7 triệu đồng/lượng.
Từ đầu năm tới nay, tỷ giá USD/VND diễn biến khá căng thẳng, tăng khoảng 4,2%. Tình trạng này được kỳ vọng sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm, khi dòng kiều hối và tiền từ xuất khẩu hàng hóa đổ về.
Vàng được nhiều tổ chức quốc tế dự báo chỉ tăng mạnh vào 2-3 tháng cuối năm. Khi đó, khả năng cung ứng vàng ra thị trường của NHNN có thể sẽ tốt hơn. Lãi suất huy động đang xu hướng tăng trở lại, cùng với kỳ vọng thị trường chứng khoán khởi sắc hơn và các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn có thể khiến vàng - vốn được xem là mặt hàng không sinh lời - sẽ không hút dòng tiền.
Có thể thấy, chỉ trong chưa đến một tuần sau khi NHNN công bố bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước, chênh lệch giá vàng đã giảm mạnh, từ mức chênh 22-25% xuống còn 10% dù vàng miếng SJC chưa được bán ra (đầu giờ chiều 3/6).
Mức chênh 10% như vậy là một tín hiệu khá tích cực. Đây cũng là mức mà một số chuyên gia cho là chấp nhận được. Việc chênh giá cũng xảy ra ở một số nước châu Á, trong đó có Trung Quốc khi mà nhiều ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vàng.
Hiện tại, Chính phủ cũng có nhiều mục tiêu quan trọng. Đó là phấn đấu tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm khoảng 5%, cả năm khoảng 15%. Việc kiểm soát tỷ giá được ưu tiên, với mục tiêu giữ dòng vốn ngoại ở lại Việt Nam và hút thêm dòng tiền từ các nhà đầu tư quốc tế. Việc tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu mua tích trữ vàng của người dân, qua đó kéo chênh giá vàng trong nước và thế giới giảm xuống là cần thiết.
Tuy nhiên, Nhà nước có thể kiểm soát với một mức chênh phù hợp để đảm bảo nguồn lực cho các mục tiêu vĩ mô khác. Hiện tượng giá của thương hiệu vàng quốc gia SJC (có chất lượng đảm bảo) cao hơn so với các loại vàng khác cũng là chuyện bình thường.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/muc-chenh-giam-cuc-manh-gia-vang-mieng-sjc-lieu-co-xuong-75-trieu-2287550.html