Mua vàng không rõ nguồn gốc, doanh nghiệp kinh doanh vàng có vi phạm luật?

22/09/2016 09:52:00

Cơ quan quản lý khẳng định doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định khi mua vàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cơ quan quản lý khẳng định doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định khi mua vàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
 
Mua vàng không rõ nguồn gốc, doanh nghiệp kinh doanh vàng có vi phạm luật?

Nguy hiểm khi mua vàng không rõ nguồn gốc

Tại buổi hội thảo “Giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 24/2012-NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ” tại TP.HCM, đại diện một doanh nghiệp vàng hỏi nếu tiệm vàng bán lại hàng mua vào từ khách hàng mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nếu khi kiểm tra sản phẩm thấp hơn hàm lượng đóng trên sản phẩm thì sẽ truy trách nhiệm ai? Nếu tiệm kiểm tra và ghi lại tem nhãn của tiệm mình được không?

Theo ông Phan Văn Đồng, Chánh Thanh tra Sở Khoa học công nghệ TP.HCM, mua vàng từ khách hàng mà không rõ nguồn gốc xuất xứ là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định.

Trường hợp tự kiểm tra và ghi nhãn của tiệm mình là sai quy định, bởi vì trách nhiệm ghi nhãn là của nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu được quy định tại Điều 10 Nghị định 89 về nhãn hàng hóa. Mức xử phạt theo Điều 25 Nghị định 80 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, vấn đề thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng cũng được nhiều doanh nghiệp bức xúc vì không biết khi nào thì cơ quan quản lý đi thanh tra, thanh tra nội dung gì, thanh tra trong bao lâu… Khi có thanh tra thì hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng, khách hàng tưởng doanh nghiệp làm ăn gian lận? Việc lấy mẫu sản phẩm vàng của doanh nghiệp để kiểm định những nội dung gì? Bao lâu thì trả lại sản phẩm cho doanh nghiệp?

Trả lời câu hỏi này, ông Phan Văn Đồng, Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cho biết căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

Về thông báo trước hay sau thì theo chế độ thanh tra đột xuất thì không thông báo trước, còn thanh tra định kỳ thì có thông báo trước cho doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ nội dung.

Về quy trình kiểm tra lấy mẫu liên quan đến nhãn sản phẩm, chúng tôi chỉ lấy từ 5,6 đến dưới 10, đo lường lấy mẫu không quá 3. Về đo lường thì kiểm tra về khối lượng, chúng tôi có bộ cân chuẩn kiểm tra sai số khối lượng và sai số có nằm trong phạm vi cho phép hay không.

Về kiểm tra hàm lượng vàng thì chúng tôi mua mẫu chứ không lấy mẫu của doanh nghiệp và lập biên bản về mua mẫu, sẽ kiểm tra về hàm lượng vàng có phù hợp với công bố của doanh nghiệp không, có chất độc hại không... Sau khi có kết quả thì gửi kết quả mẫu về cho doanh nghiệp được kiểm định, nếu đạt chất lượng thì Sở Khoa học công nghệ TP.HCM chịu chi phí, nếu không đạt thì doanh nghiệp chịu chi phí thử nghiệm và chi phí xử phạt.

Khi kiểm tra thì chúng tôi thấy doanh nghiệp vi phạm về ghi nhãn rất nhiều. Việc lấy mẫu hàng hóa khi có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng hoặc có khiếu nại, tố cáo.

Còn theo ông Đào Hữu Cát, Chi Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam, mẫu lấy do yêu cầu của Chi Cục quản lý và quyền của Trưởng đoàn kiểm tra. Sau khi có kết quả thử nghiệm cơ quan kiểm tra sẽ thông báo cho đơn vị. Trong vòng 2 ngày khi nhận được kết quả doanh nghiệp có thể yêu cầu kiểm tra lại nếu chưa thống nhất với kết quả của cơ quan kiểm định. Mẫu được kiểm tra lại phải được kiểm định tại tổ chức được chỉ định, phí này do doanh nghiệp trả.

Theo Thông tư 22 (của Bộ Khoa học và Công nghệ), nếu đoàn lấy mẫu thử nghiệm không phá hủy thì sẽ mượn mẫu và sau đó trả lại cho doanh nghiệp. Thời gian trả kết quả chậm nhất 7 ngày.

Xem xét lại về siết cho vay đối với doanh nghiệp vàng

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn TP.HCM cho biết trong 04 năm qua, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng không được nhập khẩu vàng cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, doanh nghiệp cũng không thể vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh vàng trang sức đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp?

Bà Trần Thị Ngọc Thìn, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, vấn đề siết vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ đối với các doanh nghiệp vàng hiện nay NHNN đang nghiên cứu và xem xét, trong thời gian tới sẽ có câu trả lời cụ thể cho các doanh nghiệp.

Trên địa bàn TP.HCM, nhu cầu nhập khẩu vàng của doanh nghiệp rất nhiều, những doanh nghiệp nào đáp ứng những quy định về nhập khẩu vàng thì NHNN chi nhánh TP.HCM đã chuyển ra NHNN Trung ương và nếu được chấp thuận thì NHNN chi nhánh sẽ cấp phép theo Thông tư 16 của NHNN.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM (SJA, chia sẻ thêm theo quy định của NHNN nếu doanh nghiệp vàng nào muốn vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ phải có văn bản trình Thống đốc NHNN, nếu được chấp thuận thì ngân hàng thương mại mới cho vay. Đến nay, quy định này vẫn có hiệu lực. SJA đã kiến nghị rất nhiều nơi, từ UBND TP.HCM đến NHNN nhưng vẫn phải chờ.

Đại diện công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, Nghị định 24, Thông tư 16 và Thông tư 38 (của NHNN) quy định về nhập khẩu vàng nguyên liệu không có điều kiện loại trừ nào khắt khe, nếu đúng điều kiện trong Thông tư 16 và 38 thì được nhập khẩu vàng, nhưng thực tế thì doanh nghiệp không được nhập khẩu?

Bà Trần Thị Ngọc Thìn, cho biết việc nhập khẩu vàng miếng phải được NHNN chấp thuận và NHNN đã cấp cho một số đơn vị đáp ứng đủ điều kiện, còn việc nhập khẩu vàng để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện như: có ngoại tệ, NHNN sẽ kiểm tra theo từng giai đoạn sản xuất của doanh nghiệp. Vấn đề này không phải là cấm mà có các quy định rồi. PNJ có thể liên hệ với Cục quản lý Ngoại hối của NHNN để biết thông tin.

Theo Hoàng Anh (Bizlive.vn)

Nổi bật