Khách phải thanh toán trước 10-30% giá trị sim và trả lãi theo quy định. Khi nhận được đủ tiền gốc và lãi, công ty mới sang tên chính chủ cho người mua.
Chuyên bán sim số đẹp có giá từ vài triệu đồng tới hàng trăm triệu đồng, anh Hữu (Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết, dịch vụ bán sim trả góp tạo điều kiện cho người dùng muốn sở hữu sim số đẹp nhưng chưa có sẵn tiền. Tùy theo giá trị của mỗi chiếc sim mà khách phải trả trước theo 3 mức là 5, 10, 15 triệu đồng. Số dư còn lại tính lãi là 3% mỗi tháng, tương đương 36% mỗi năm, tương đương mức lãi suất ngoài thị trường chợ đen.
Hiện anh Hữu có khoảng gần 100 sim bán trả góp. Trong đó, khoảng 5 chiếc được rao giá 100-200 triệu đồng. Mức trả trước với những số này là 10, 20 triệu đồng một sim.
Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều mẩu tin chào bán sim trả góp. Ảnh chụp màn hình. |
Thủ tục mua sim trả góp khá đơn giản, với thời hạn trả góp 2 năm. Tuy nhiên, anh Hữu luôn khuyến khích người mua trả càng nhanh càng tốt, để đỡ gánh lãi suất.
Không riêng sim VIP, gần đây, trên thị trường, hình thức bán sim trả góp khá phổ biến, được nhiều đơn vị áp dụng với những sim giá 2-5 triệu đồng. Khách mua trả trước 15-30% giá trị, phần còn lại sẽ trả góp định kỳ.
Một số nơi thậm chí còn áp dụng mức trả góp không lãi suất, để mong thanh lý được những sim giá trị lớn trong thời buổi sim VIP đã hết thời. Anh Tú, chủ một cửa hàng buôn bán sim số đẹp cho biết, để tránh tình trạng khách "phá hợp đồng", cửa hàng chỉ sang tên chính chủ khi đủ tiền theo thỏa thuận.
"Nếu khách không đóng lãi đều hàng tháng hoặc không gia hạn thời gian trả góp, cửa hàng sẽ thu hồi sim. Nếu gia hạn thời gian trả, mức phí sẽ tăng gấp 2 lần", chủ cửa hàng này cho hay.
Muốn mua sim trả góp, khách phải thanh toán trước 10-30% giá trị sim và trả lãi theo thỏa thuận 2 bên. Ảnh: Thiên Minh. |
Mặc dù nhiều chủ hàng cho rằng, hình thức bán sim trả góp có lợi cho cả 2 bên. Song, cũng nhiều trường hợp người bán đẩy giá sim cao ngất, nên dù tính lãi suất 0% họ vẫn có lời.
Theo anh Kiên, chơi sim số đẹp ở Hà Nội, người tiêu dùng cần tính toán kỹ số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp. Hoặc khi làm hợp đồng phải yêu cầu nơi bán ghi rõ mức lãi, cơ sở tính, không nên ký hợp đồng nếu chưa hiểu rõ. "Khi quyết định mua hàng trả góp, nên thăm dò, so sánh giá tiền và lãi suất mà đơn vị đó áp dụng, vì đôi khi mỗi cửa hàng sẽ có mức báo giá khác nhau”, anh cho hay.