Mua hàng ai lấy hóa đơn?

15/09/2015 10:44:16

Nhiều chuyên gia cho rằng muốn ngăn chặn chuyện giấu doanh thu, trốn thuế bằng cách yêu cầu cơ sở kinh doanh xuất hóa đơn điện tử mới chỉ là giải quyết phần ngọn...

Nhiều chuyên gia cho rằng muốn ngăn chặn chuyện giấu doanh thu, trốn thuế bằng cách yêu cầu cơ sở kinh doanh xuất hóa đơn điện tử mới chỉ là giải quyết phần ngọn...

Các chuyên gia cho rằng cần có chính sách khuyến khích người dân mua hàng lấy hóa đơn như cách các nước khác đã làm - Ảnh: Quang Định

 
Trước thông tin sẽ áp dụng việc khai, nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử... trong giao dịch bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ kể từ ngày 1-1-2016, nhiều người tiêu dùng cho biết không quan tâm việc lấy hóa đơn vì chẳng để làm gì.

Nhiều chuyên gia cho rằng muốn ngăn chặn chuyện giấu doanh thu, trốn thuế bằng cách yêu cầu cơ sở kinh doanh xuất hóa đơn điện tử mới chỉ là giải quyết phần ngọn, cái gốc là có giải pháp khuyến khích người mua hàng đòi hóa đơn từ người bán.

Lấy hóa đơn 
chẳng để làm gì

Đứng quan sát tại một số quầy bán hàng tiêu dùng ở chợ Bà Chiểu chiều 12-9, chúng tôi thấy nhiều người mua lượng lớn hàng hóa nhưng người bán chỉ ghi một bảng kê để người mua kiểm tra lại số tiền và hàng chứ chẳng bên nào đề cập đến chuyện hóa đơn.

Khi nghe chúng tôi hỏi vì sao không lấy hóa đơn, chị Thanh Vân - một khách mua hàng tại chợ - cho biết chưa từng nghĩ đến vì lấy về cũng đâu có khấu trừ gì được.

Chị Nga - một tiểu thương bán bánh kẹo tại chợ này - cho biết chủ yếu bán cho khách lẻ, mỗi người mua vài chục ngàn chứ khách hàng lớn thường vào siêu thị. “Kinh doanh cũng ế ẩm, khách mua chủ yếu để dùng ở nhà đâu ai cần hóa đơn làm gì nên tui cũng đâu có xuất hóa đơn” - chị Nga nói.

Cô Hương - tiểu thương bán vải chợ Tân Định (quận 1, TP.HCM) - nói nộp thuế khoán, mỗi tháng đóng 1,575 triệu đồng. Khách hàng chủ yếu là người quen, mỗi người mua vài mét vải may đồ chẳng ai đòi hóa đơn. Thỉnh thoảng, khách mua hàng cho công ty hoặc mua vải may đồng phục với số lượng lớn mới cần hóa đơn để thanh toán.

Với những khách đòi hóa đơn, cô Hương sẽ đến chi cục thuế để mua hóa đơn lẻ, nhưng viết hóa đơn nhanh nhất là nửa tiếng, có khi mất cả tiếng mới xong nên cô phải hẹn lại hôm sau. “Nếu sắp tới cơ quan thuế đòi phải có hóa đơn, tôi sẽ chỉ bán lẻ thôi. Chứ tôi cũng lớn tuổi rồi, trình độ công nghệ thông tin hạn chế, việc xuất hóa đơn điện tử là không khả thi” - cô Hương nói.

Trong khi đó, dù gia đình thường đi ăn ngoài vào dịp cuối tuần với số tiền mỗi bữa ăn tối thiểu cũng 300.000 đồng, cao hơn mức tối thiểu mà cơ quan thuế buộc bên bán phải xuất hóa đơn và chủ quán luôn cộng cả phần thuế GTGT là 10% khi tính tiền, nhưng anh Vinh (Phú Nhuận) cho biết không có nhu cầu lấy hóa đơn.

“Nếu cơ quan thuế cho phép trừ vào chi phí, tôi sẽ lấy hóa đơn nhưng đằng này không có biện pháp gì khuyến khích nên tôi không lấy” - anh Vinh nói.

Sao không xổ số 
hóa đơn?

Ngày 14-9, Tổng cục Thuế đã tổ chức đào tạo cho nội bộ Cục Thuế TP.HCM về xác thực hóa đơn nhằm phục vụ triển khai thí điểm hóa đơn điện tử vào tháng 10-2015.

Tuy nhiên, một lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết thời gian đầu chỉ áp dụng hóa đơn điện tử cho các doanh nghiệp chứ chưa mở rộng ra các hộ kinh doanh cá thể do không đủ lực lượng lẫn cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng điều quan trọng nhất không phải là hóa đơn gì mà làm sao cho người tiêu dùng mua hàng phải đòi hóa đơn. Hơn nữa, việc sử dụng hóa đơn điện tử đòi hỏi rất nhiều điều kiện và gần năm năm được triển khai (thông tư 32) đến nay chỉ mới có khoảng 300 doanh nghiệp (trong số gần 600.000 doanh nghiệp) áp dụng hóa đơn điện tử, trong đó chủ yếu là những tập đoàn lớn như điện lực, nước, viễn thông, ngân hàng, hàng không...

Một chuyên gia thuế cho rằng yêu cầu phải sử dụng hóa đơn điện tử mới chỉ giải quyết phần ngọn trong khi gốc vấn đề chưa chạm tới được. Theo vị này, muốn thực hiện mục tiêu ngăn chặn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh kê khai gian, hạ thấp doanh thu... cần có chính sách để khuyến khích người tiêu dùng đòi hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ.

Chẳng hạn, cho phép người làm công ăn lương được khấu trừ các hóa đơn này vào thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân hằng tháng. Với đối tượng còn lại, có thể khuyến khích bằng chính sách xổ số hóa đơn, đây là cách nhiều nước đã áp dụng và rất thành công.

Trao đổi với PV, một cán bộ Cục Thuế TP cho biết việc xổ số hóa đơn đã từng được ngành thuế đưa ra bàn thảo nhưng “vấp” phải khó khăn là nguồn tiền chi thưởng không biết lấy ở đâu nên ý tưởng này bị rơi vào quên lãng.

Để khuyến khích người tiêu dùng cá nhân lấy hóa đơn, chính phủ nhiều nước đã thực hiện sử dụng hóa đơn trực tuyến và xổ số hóa đơn trực tuyến. Theo đó, việc quay thưởng dựa trên số hóa đơn được lưu giữ trên hệ thống dữ liệu điện tử. Hệ thống quay thưởng sẽ lựa chọn ngẫu nhiên số hóa đơn và khách hàng may mắn, thông qua các thông tin trên hóa đơn.

 
Trong dự thảo tờ trình Chính phủ sửa đổi một số điều của Luật quản lý thuế để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới, Bộ Tài chính đề xuất nội dung: “Người nộp thuế phải thực hiện khai, nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ...”, áp dụng từ ngày 1-1-2016.
 
Với quy định này, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà hàng triệu hộ kinh doanh cá thể như người bán tạp hóa, người bán quần áo, mỹ phẩm, kinh doanh nhỏ lẻ trong chợ hoặc trên đường... cũng phải sử dụng hóa đơn điện tử.
 
>> Mua bán cây kim, sợi chỉ, que kem đều in hóa đơn điện tử
Theo Ánh Hồng (Tuổi Trẻ)

Nổi bật