Luật sư cho rằng nếu chỉ căn cứ việc Trần Anh không giao điện thoại có chất lượng như cam kết không đủ để khách đòi bồi thường Macbook Pro, trừ khi chứng minh thiệt hại trực tiếp.
Theo Luật sư Thơm, yêu cầu bồi thường trước hết phải dựa trên thỏa thuận tự nguyện của hai bên.
Điều 439 Bộ Luật dân sự quy định trách nhiệm giao tài sản không đúng chủng loại. Trường hợp tài sản được giao không đúng chủng loại thì bên mua có một trong các quyền sau đây:
1. Nhận và thanh toán theo giá do các bên thỏa thuận.
2. Yêu cầu giao tài sản đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại.
3. Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc giao không đúng chủng loại làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.
Như vậy, do lỗi của nhân viên mà Trần Anh không giao đúng hàng hóa có chất lượng như đã cam kết cho bên mua.
"Nếu hai bên không đi đến được thỏa thuận dân sự để giải quyết vụ việc, chị Hương có thể khởi kiện Trần Anh ra tòa án", LS Thơm nói.
Tuy nhiên, luật sư nhấn mạnh nếu chỉ căn cứ vào việc Trần Anh không giao đúng diện thoại có chất lượng như nhân viên tư vấn thì chị Hương không thể đòi bồi thường một chiếc Macbook Pro.
Nếu chị Hương đòi bồi thường tổn thất về tâm lý khi mua phải hàng hóa không đúng chất lượng cam kết thì phải chứng minh. Và thiệt hại đó phải là thiệt hại trực tiếp gặp phải do việc mua bán hàng hóa gây ra.
Điện thoại Sony E5663 M5 Dual. Ảnh minh hoạ: Youtube. |
Luật sư Thơm lấy ví dụ một bài báo sai sự thật làm ảnh hưởng tâm lý của một người, khiến người đó phải nằm viện, không thể đi làm được… là cơ sở để yêu cầu bồi thường thiệt hại về kinh tế. Số tiền bồi thường sẽ dựa theo các tháng lương cơ bản, phụ thuộc mức độ thiệt hại tâm lý, sức khỏe.
Nói như vậy, việc chị Hương viện dẫn thiệt hại sức khỏe, tâm lý từ giao dịch làm căn cứ để đòi bồi thường Macbook Pro, về mặt pháp lý là có thể thực hiện. Tuy nhiên, cái khó của chị Hương là phải chứng minh mình có bị tổn thất tâm lý trực tiếp hay không. Nếu không chứng minh được thì không thể yêu cầu bồi thường.
Trước đó, chị Nguyễn Thị Xuân Hương (Bắc Giang) cho biết vào tháng 12/2016, chị mua chiếc điện thoại Sony tại một siêu thị điện máy của Trần Anh tại Bắc Giang với giá gần 6 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận máy, chị phát hiện trên điện thoại có vết sứt, hộp đựng đã cũ, trong bộ nhớ có lưu ảnh chụp cảnh siêu thị từ tháng 7/2016.
Trần Anh sau đó đã thừa nhận sai sót khi nhân viên bán hàng đã tư vấn không đầy đủ về chiếc điện thoại là hàng trưng bày, được bán với giá khuyến mại. Sự việc dẫn tới khách hàng hiểu lầm.
Hãng xin lỗi khách đồng thời đề nghị với chị Hương việc thu hồi sản phẩm Sony E5663 M5 Dual và hoàn trả lại số tiền đã mua. Đơn vị này cũng tặng chị Hương một sản phẩm điện thoại mới, tương đương với sản phẩm cũ là sản phẩm Sony Experia F3116 có giá trị đang bán tại siêu thị là 4,49 triệu đồng.
Tuy nhiên, chị Hương không đồng ý và yêu cầu Trần Anh bồi thường bằng một chiếc laptop Macbook Pro trị giá khoảng 40 triệu đồng. Hãng cho rằng yêu cầu đó là vô căn cứ nên từ chối và bảo lưu đề xuất trước đó.
Trả lời PV, chị Nguyễn Thị Xuân Hương khẳng định lý do khởi kiện Trần Anh là do bị ảnh hưởng tâm lý và mệt mỏi do sự việc khiếu nại kéo dài từ tháng 12/2016. Trong khi đó, phía siêu thị thì cho rằng ngay từ đầu chị Hương đã đưa yêu cầu bồi thường bằng laptop giá trị lớn một cách vô căn cứ, nên vụ việc mới kéo dài.
Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã lên tiếng đồng tình với phương án giải quyết của siêu thị điện máy. Cục cho biết phương án giải quyết là phù hợp với các quy định của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng cũng như tính chất, mức độ vụ việc.
Cục Quản lý cạnh tranh đề nghị chị Hương liên hệ với Trần Anh để thống nhất phương án giải quyết. Trong trường hợp hai bên không thể thương lượng, hóa giải, Cục đề nghị các bên xem xét giải quyết vụ việc theo phương thức trọng tài hoặc tòa án. Đến nay, hai bên vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng.
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)