Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước thông tin rõ: Việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội được quy định tại Điều 19 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Với quy định này, người thuê nhà ở xã hội không được cho thuê lại hoặc chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian thuê nhà theo hợp đồng đã ký với bên cho thuê.
Trong thời hạn chưa đủ 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội, thì chỉ được bán lại cho Nhà nước hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, hoặc bán lại cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở.
Chính vì thế, việc mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng là không đúng với quy định của pháp luật hiện hành.
Để tránh rủi ro, Sở Xây dựng Bình Phước khuyến cáo các tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao dịch về nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, trước khi thực hiện giao dịch cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ thông tin về tính pháp lý của dự án.
Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686ha và Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư trên 28.000ha cùng 9 cụm công nghiệp; trong đó, có 1 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và 8 cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư. Trong giai đoạn 2022-2030, tổng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn là hơn 156.000 người.
Trong khi đó, hiện Bình Phước mới chỉ có 2 dự án nhà ở xã hội độc lập và 1 dự án nhà ở thương mại có xây dựng nhà ở xã hội đã và đang được đầu tư xây dựng với 847 căn nhà.
UBND tỉnh Bình Phước cho biết, giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh sẽ triển khai thực hiện 18 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với diện tích khoảng 173ha; đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 133.000 người. Các khu vực ưu tiên đầu tư phát triển nhà ở xã hội là những nơi có nhiều khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế như Chơn Thành, Đồng Phú, Hớn Quản, Phú Riềng, Lộc Ninh, Bình Long
Luật sư Phan Thị Hồng Luyến - Công ty Luật T&Q cho biết: Lập vi bằng trong giao dịch mua bán nhà ở, hoặc do người mua không biết giá trị của vi bằng. Họ cho rằng vi bằng cũng giống hợp đồng công chứng vì đã có bên thứ ba làm chứng. Hoặc người mua biết nhưng cố tình thực hiện vì không đủ kinh tế để mua nhà dự án khác. Do đó, nếu có nhu cầu thực sự, thay bằng việc mua bán nhà ở xã hội bằng vi bằng, bên mua nên thực hiện giao dịch bằng một số phương thức sau đây để có thể hạn chế rủi ro ở mức độ thấp nhất:
- Hợp đồng ủy quyền nhận giấy chứng nhận của bên bán đối với bên mua.
- Hợp đồng hứa mua, hứa bán giữa hai bên, hoặc bản di chúc của bên bán để lại nhà ở cho bên mua.
Như vậy, việc mua nhà ở bằng giấy tờ tay hoặc vi bằng là không nên. Nếu mua thì có thể phải gánh chịu rất nhiều rủi ro. Do đó, bên mua cần nắm rõ bản chất pháp lý của vi bằng. Khi thực hiện một số phương thức giao dịch như trên cần chú ý để đảm bảo quyền lợi khi muốn sở hữu nhà hợp pháp.
Theo Nguyễn Duyên (Báo Công Thương)
https://congthuong.vn/mua-ban-nha-o-xa-hoi-bang-hinh-thuc-lap-vi-bang-can-than-mat-trang-222069.html