Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank (CTG) vừa Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 để thông qua nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có kế hoạch lợi nhuận cao và kế hoạch chia cổ tức khủng.
VietinBank (CTG) là một trong những cổ phiếu ngân hàng hút dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư thời gian qua, khi thị trường chứng khoán lên đỉnh cao lịch sử mới. Cổ phiếu CTG đã tăng khoảng gấp rưỡi trong chưa tới 3 tháng qua và tăng gấp hơn 2 lần so với cùng khoảng thời gian này năm ngoái.
Cụ thể, giá cổ phiếu CTG tăng từ mức 18.000 đồng/cp hồi cuối tháng 4/2020 lên trên dưới 43.000 đồng/cp như hiện tại. Vốn hóa của VietinBank cũng tăng thêm khoảng gần 4 tỷ USD lên mức 6,7 tỷ USD.
Một trong những nội dung quan trong trong ĐHCĐ lần này là kế hoạch chia cổ tức “khủng” từ lợi nhuận tích lũy trong 4 năm từ 2017-2020. Bên cạnh đó là mục tiêu lợi nhuận 16,8 nghìn tỷ đồng cho năm 2021.
Theo tờ trình tại ĐHCD, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 6-10% trong năm 2021; dư nợ tín dụng theo phê duyệt của NHNN, tăng trưởng tối đa 7,5%. Nguồn huy động vốn tăng trưởng 8-12%, có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.
VietinBank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2021 là 16.800 tỷ đồng, cao hơn 400 tỷ so với năm 2020.
Về việc phân chia cổ tức, VietinBank có 2 phương án. Theo đó, CTG sẽ chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Tổng giá trị có thể lên tới khoảng 8.000-9.000 tỷ đồng.
Trước đó, cuối năm 2020, VietinBank đã thông qua phương án phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 28,8%, nhưng đến nay ngân hàng chưa tiến hành thực hiện. Nguồn vốn để thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu là từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ theo quy định của năm 2017-2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2019.
Trong quý I, VietinBank ước lãi 7.000-8.000 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ. CTG cũng dự kiến triển khai các hợp đồng bảo hiểm mới với Manulife từ đầu quý II. Đây là một nguồn thu lớn cho ngân hàng.
Trong những năm vừa qua, không chỉ CTG mà nhiều ngân hàng khác cũng ghi lợi nhuận tăng đột biến và cổ phiếu tăng liên tục trong thời gian gần đây.
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) của ông Đỗ Quang Hiển ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2020 tăng 12,8% so với năm trước lên 3.412 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch cổ đông đề ra. Cổ phiếu SHB tăng gần gấp đôi từ dưới 14.000 đồng/cp từ hồi đầu tháng 2 lên 26.000 đồng/cp như hiện tại.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2020 đạt gần 10,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế của MB đạt 8.262 tỷ đồng. Cổ phiếu MBB cũng tăng gần gấp đôi trong vòng 6 tháng qua, từ mức dưới 18.000 đồng/cp lên mức 31.000 đồng/cp như hiện tại.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index giảm nhẹ về ngưỡng 1.240 điểm.
Theo Rồng Việt, mặc dù có tín hiệu hỗ trợ khá tốt trong phiên trước và vị thế tích cực nhưng thị trường vẫn có động thái thận trọng nhất định với áp lực chốt lời tiềm ẩn. Tuy nhiên, thanh khoản giảm so với phiên điều chỉnh cách đây 2 phiên, cho thấp áp lực chốt lợi ngắn hạn đang tạm thời hạ nhiệt. Đồng thời mức giảm của VN-Index chỉ dừng ở mức thấp, cho thấy áp lực chưa cao. Dự kiến, thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ và dần tăng điểm trở lại nhưng diễn biến có thể chậm rãi và thận trọng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/4, chỉ số VN-Index giảm 8,62 điểm xuống 1.247,25 điểm; HNX-Index tăng 1,29 điểm lên 296,12 điểm. Upcom-Index giảm 0,7 điểm xuống 82,7 điểm. Thanh khoản đạt 24,5 nghìn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)