Trong nhóm hàng thức ăn gia súc nhập khẩu, chúng tôi thấy có gần 200 mặt hàng có sự trùng lặp trong quản lý. Một mặt hàng 2 đơn vị ở một bộ cùng quản lý dù kiểm tra chuyên ngành chỉ là tiền kiểm, song hai đơn vị không công nhận kết quả của nhau.
Theo ông Hải, thức ăn gia súc nói chung đang vừa chịu sự kiểm định động vật vừa theo kiểm định thủy sản lại liên quan đến bảo vệ thực vật, rồi quy định về tiêu chuẩn chất lượng nói chung. Chính vì vậy, doanh nghiệp (DN) rất mất thời gian kiểm tra chuyên ngành, mất chi phí lưu kho. Trong khi đó, bộ tiêu chí kiểm tra của các đơn vị này tương tự nhau.
Kiểm tra chuyên ngành thức ăn chăn nuôi (ảnh minh hoạ) |
Ông Hải nói: Ví dụ thức ăn cho thủy sản, cơ quan kiểm dịch động vật kiểm tra chuyên ngành nhưng cơ quan bảo vệ nguồn lợi thủy sản không chấp nhận kết quả của cơ quan trên và yêu cầu kiểm tra lần nữa. Ngay cả cùng một loại thức ăn cho gia súc và cho thủy sản nhưng các cơ quan chuyên ngành trong một bộ không thừa nhận kết quả của nhau.
Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA): Quyết tâm của các bộ ngành đã cao, những thủ tục đã được cải cách và doanh nghiệp đã cảm nhận được những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên những vấn đề cơ bản lại vẫn tồn tại đó là kiểm tra chuyên ngành vẫn chuyển biến rất chậm, dù đã được nhiều lần kiến nghị.
Theo ông Tương, trong các thủ tục kiểm tra chuyên ngành của nhiều mặt hàng, đang tồn tại rất nhiều bất cập liên quan đến hoạt động kiểm tra hải quan như: Máy móc, thiết bị thiếu nên không kiểm tra chuyên ngành được ngay ở cửa khẩu. Hiện chỉ có ngành kiểm dịch thực vật, y tế, công an, biên phòng thường phối hợp với hải quan, còn hầu hết việc kiểm tra chất lượng hàng hóa thì phải chuyển vào nội địa để kiểm tra nên tốn nhiều thời gian.
Ông Tương cho hay: Có mặt hàng chịu quản lý của nhiều bộ, trong một bộ lại chịu sự quản lý của 2-3 đơn vị khác nhau, trong khi trình tự và phương pháp tương tự nhau. Việc thay đổi phương pháp kiểm tra, chuyển kiểm tra ở khâu thông quan sang khâu hậu thông quan, để DN tự khai báo và chịu trách nhiệm là những giải pháp cần phải thực hiện triệt để nhằm giảm phiền hà cho DN.
Ông Hoàng Việt Hà - Giám đốc điều hành Công ty CP FPT, những hàng hóa liên quan đến điện thoại di động, xin giấy phép nhập khẩu mất 7 ngày, mất thời gian. 1 năm nhập khẩu 1 tỷ USD thì thời gian lưu kho 7 ngày thì mỗi năm chúng tôi có hàng nghìn lô hàng thì có hàng nghìn giấy phép nhập khẩu, mỗi lô hàng lưu kho 7 ngày thì thử hỏi DN tốn bao nhiêu chi phí. Đáng nói, các tiêu chuẩn này đã được công bố hợp quy, hợp chuẩn của hãng rồi, mỗi DN nhập khẩu lại phải xin giấy phép, sinh ra nhiêu khê.
Theo thông tin từ Ngân hàng Thế giới mới đây, phần liên quan đến thủ tục hải quan đã giảm còn 20%. Do đó, trách nhiệm các Bộ ngành trong phối hợp với cơ quan thực thi hải quan tại cửa khẩu là rất quan trọng để tiếp tục giảm con số này.
Ông Đào Huy Giám - Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân VPSF cho biết, sự nỗ lực và quyết liệt của Chính phủ thể hiện qua một loạt Nghị quyết 19 và nhiều những chỉ đạo khác. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn rất nhiều rào cản, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
"Chẳng hạn như chỉ số năng lực cạnh tranh, Việt Nam đứng thứ 60/138 quốc gia được xếp hạng. Trong khu vực, chúng ta chỉ đứng trên có Lào và Campuchia. Tại Nghị quyết 19, chúng ta đưa mục tiêu 2017-2020 xếp thứ 36. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều", đại diện Diễn đàn Kinh tế tư nhân cho hay.
Theo Nguyễn Tuyền (Dân Trí)