Ethereum được tung ra thị trường vào năm 2013 với mục đích dùng để giao dịch cho một mạng nội bộ cùng tên. Cũng giống như Bitcoin, Ethereum hoạt động trên nền tảng công nghệ Blockchain.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa Ethereum và Bitcoin là mục đích sử dụng và công nghệ cốt lõi của chúng. Ethereum được tạo ra với mục tiêu là trở thành một nền tảng dành cho việc phát triển hợp đồng thông minh. Đồng Ethereum lúc này có vai trò là phương tiện thanh toán chi phí khi hoạt động của mạng lưới. Còn Bitcoin được sinh ra với mục đích duy nhất là trở thành phương tiện thanh toán và là nơi lưu trữ giá trị.
Sự khác nhau giữa 2 đồng tiền điện tử này còn thể hiện ở tổng cung. Trong khi nguồn cung của Bitcoin bị giới hạn ở mức 21 triệu đồng thì nguồn cung của Ethereum là vô hạn.
Nhóm sáng lập Ethereum đang có kế hoạch thay đổi thuật toán PoW sang thuật toán PoS nhằm giúp mạng Ethereum vận hành ít hao tốn năng lượng hơn và cải thiện tốc độ giao dịch. Đây được xem như một giải pháp thay thế cho cơ chế PoW trước đó của Bitcoin và sẽ tăng khả năng cạnh tranh với các đồng token kỹ thuật số mới nổi.
Dù Bitcoin và Ethereum - 2 đồng tiền mã hóa hàng đầu thế giới - đều có những cải tiến về kỹ thuật nhưng đồng Ethereum dường như đang có lợi thế cạnh tranh hơn, đe dọa ngôi vua của Bitcoin. Nếu Bitcoin được coi như vàng kỹ thuật số thì Ethereum lại được đánh giá cao hơn về tiềm năng phát triển nhờ sở hữu nền tảng hợp đồng thông minh.
Ethereum hiện là đồng tiền kỹ thuật số có tổng giá trị vốn hóa cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Bitcoin. Thời gian gần đây, Ethereum là đồng tiền số thu hút sự chú ý lớn nhất từ cộng đồng công nghệ.
Giá Ethereum đã tăng nhanh và tăng liên tục từ đầu tháng 4 đến nay. Từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5, cứ mỗi tuần Ethereum lại thiết lập nên một đỉnh giá mới. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 5, Ethereum tăng giá khoảng 470%.
Theo dữ liệu của CoinMarketCap, tối ngày 2/11, Ethereum đã thiết lập mức giá cao nhất mọi thời đại ở mốc 4.501 USD/đồng (tương đương 1 Ethereum giá hơn 100 triệu đồng). Đà tăng trưởng mạnh đã đẩy giá trị vốn hóa của Ethereum vượt qua con số 530 tỷ USD.
Sau khi lập đỉnh, giá Ethereum đã quay đầu đi xuống. Sáng qua, đồng Ethereum cũng giảm giá mạnh theo đà của Bitcoin. Nhưng đến sáng nay (5/12), bất chấp thị trường mã hóa đỏ lửa, Ethereum vẫn tăng giá mạnh.
Theo dữ liệu của CoinDesk vào lúc 15h50' ngày 5/12, đồng Ethereum được giao dịch ở mức 4.214,08 USD, tăng 6,48% so với ngày hôm qua. Trong 24 giờ gần nhất, giá Ethereum thời điểm cao nhất đạt 4.236,72 USD, thấp nhất ở mức 3.833,51 USD.
Với đỉnh giá mới vừa được thiết lập, giá Ethereum đã tăng gấp 5 lần so với mức giá 800 USD ở thời điểm đầu năm 2021. Cách đây 1 năm rưỡi, giá Ethereum vẫn dao động quanh mức 200 USD. Như vậy, chỉ qua 1 năm rưỡi, giá Ethereum đã tăng gấp 20 lần.
Tổng giá trị vốn hóa của Ethereum hiện chiếm khoảng 20% thị trường tiền ảo và đã vượt hơn một nửa giá trị vốn hóa của Bitcoin. Theo Coingecko, vốn hóa của thị trường Ethereum vào chiều 5/12 ghi nhận ở mức hơn 499 tỷ USD, trong khi vốn hóa của Bitcoin là 934 tỷ USD.
Vốn hóa của thị trường Ethereum hiện chiếm khoảng gần 20% tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa và vượt xa các đồng tiền mã hóa còn lại.
Trước đây, giá của đồng Ethereum thường phụ thuộc vào sự tăng, giảm giá của Bitcoin. Song gần đây, Ethereum đang cho thấy xu hướng thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Bitcoin khi nhiều phiên dù Bitcoin giảm giá mạnh nhưng Ethereum vẫn tăng giá.
Theo giới chuyên gia, động lực chính cho sự tăng giá mạnh mẽ của Ethereum là sự quan tâm của các tổ chức đầu tư và các công ty lớn Phố Wall.
Hiện có rất nhiều dự đoán lạc quan về tương lai của Ethereum. Hồi cuối tháng 4, Công ty nghiên cứu đầu tư FundStrat nhận định giá Ethereum sẽ tăng lên 10.000 USD trong năm nay.
Cũng trong tháng 4, ngân hàng đầu tư đa quốc gia JP Morgan Chase từng đưa ra dự báo về việc xu hướng vượt trội của Ethereum so với Bitcoin sẽ tiếp tục.
Mới đây, ông Alex Mashinsky, Giám đốc điều hành của công ty môi giới tiền ảo Celsius Network, cho hay, đồng Ethereum đang tiến nhanh hơn. Nguồn cung của Ethereum đang bị thu hẹp nhanh hơn so với tiền số Bitcoin.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia cũng khuyên các nhà đầu tư nên cân nhắc khi bỏ tiền vào các loại tài sản kỹ thuật số như Ethereum. Tiền kỹ thuật số hiện vẫn là một kênh đầu tư đầy mạo hiểm.
Theo Anh Tuấn (VietNamNet)