Sự lộn xộn và không rõ ràng các loại tem truy xuất nguồn gốc rau quả khiến người tiêu dùng chưa thật sự an tâm về chất lượng sản phẩm của các đơn vị sản xuất.
“Ma trận”... tem truy xuất
Sau thịt heo, đến rau củ quả tại TPHCM được truy xuất, người tiêu dùng đang dần đón nhận. Tuy nhiên, nhiều người đi mua sắm phải “hoa mắt” bởi trên bao bì một bó rau có đến 5 tem khẳng định chất lượng như: nhãn VietGAP, tem “chuỗi thực phẩm an toàn” của TPHCM, tem truy xuất nguồn gốc của Sở NNPTNT và tem truy xuất của riêng đơn vị sản xuất, tem của đơn vị kinh doanh.
Đáng lưu ý, một số HTX không được đăng kí dán tem truy xuất của Sở NN&PTNT TPHCM với thông tin “khiêm tốn”, không có mã vạch vẫn được bày bán chung với các loại rau quả có tem truy xuất nguồn gốc.
Nhiều người đi mua sắm phải “hoa mắt” bởi trên bao bì một bó rau có đến 5 tem khẳng định chất lượng như: nhãn VietGAP, tem “chuỗi thực phẩm an toàn” của TPHCM, tem truy xuất nguồn gốc của Sở NNPTNT và tem truy xuất của riêng đơn vị sản xuất, tem của đơn vị kinh doanh
Ghi nhận ngày 12/8, tại siêu thị Co.op Mart Rạch Miễu (Q.Phú Nhuận) cho thấy, nhiều bà nội trợ cũng không mặn mà về sự xuất hiện của tem truy xuất nguồn gốc.
Cầm trên tay bó rau mồng tơi, chị Nhã My - ngụ đường Phan Xích Long cho biết có quá nhiều loại tem trên bó rau nhưng lại khác nhau về hình dạng, kích thước cũng như thông tin về nguồn gốc khiến người mua như lạc vào “ma trận” tem.
“Bó rau mà có quá nhiều tem để chứng minh chất lượng khiến tôi rất rối khi phân biệt đâu là tem tích hợp thông tin chính xác nhất về chất lượng sản phẩm”, chị My nói.
Đại diện HTX Phú Lộc cho biết, qua nhiều tháng thực hiện tem truy xuất nhưng quá trình in ấn, kích thước và mẫu mã con tem chưa đồng nhất. Hiện rau đưa vào siêu thị phải có tem truy xuất nhưng mỗi nơi yêu cầu sử dụng mẫu mã, số liệu tem khác nhau. Đơn cử, Co.op Mart, Satra, Aeon… đều có quy định nhãn, cách ghi thời hạn, cách sử dụng cũng khác nhau nên đơn vị cũng “quay như chong chóng” trong việc in tem với mẫu mã, kích thước khác nhau.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Yên, phó chủ nhiệm HTX Ngã Ba Giồng (H.Hóc Môn) cho biết, sản lượng rau quả đưa ra thị trường 3-4 tấn/ngày nhưng số lượng sản phẩm có “chứng minh thư” chỉ vài trăm ký. Sản lượng mỗi ngày rất lớn nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều bất cập vì nông dân chưa thích nghi được quy trình ghi chép, nhập liệu khắt khe như hiện nay.
Đại diện HTX Phước An (H.Bình Chánh) cho biết trong quá trình thực hiện ghi chép các từ trong tên thuốc BVTV bằng tiếng Anh của nông dân “loạn xì ngầu” dẫn đến sai sót trong việc nhập liệu, HTX phải tốn rất nhiều thời gian để rà soát lại tên thuốc cho đúng.
Cần có quy chuẩn tem truy xuất
Dù mới tham gia truy xuất nguồn gốc rau quả với sản lượng khiêm tốn chỉ 120-150kg/ngày với 12 loại với tiêu chuẩn GlobalGAP, đại diện công ty Kỹ Thuật Việt cho rằng cần có quy chuẩn về thông tin trên tem.
Dữ liệu ghi chép khi đưa vào hệ thống phần mềm truy xuất khá tốn nhiều thời gian. Chuyển đổi hình thức phải mất 4 nhân công để ghi chép, nhập liệu, tốn rất nhiều chi phí.
“Mã truy xuất nguồn gốc có rất nhiều thông tin, có những số thông tin mà người tiêu dùng không cần thiết mà khi truy xuất ra rất loạn. Do đó, cần làm nghiên cứu sao đáp ứng được nhu cầu thông tin của người tiêu dùng để giảm bớt thủ tục nhập liệu cho doanh nghiệp” – vị này đề xuất.
Các HTX đã tiếp nhận hệ thống in mã vạch và thực hiện in, dán tem mã vạch trên bao bì sản phẩm |
Một trong những đơn vị tham gia cung cấp giải pháp tem truy xuất nguồn gốc rau quả, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - chủ tịch HĐQT TraceVerified, cho rằng thực ra tem truy cùng kích cỡ nhưng nhãn thì khác nhau.
Bà Minh cho rằng, Sở NN&PTNT dán tem được thì phải quản lý nguồn sản phẩm như thế nào cho thật tốt, nếu quản lý không tốt thì xảy ra tình trạng “tuồn” rau bên ngoài vào.
“Sở nên thống nhất kích cỡ tem ở các siêu thị cho giống nhau và quy định nội dung truy xuất gốc như thế nào cho cụ thể để làm quy chuẩn áp dụng cho toàn bộ các HTX khi tham gia vào truy xuất nguồn gốc”, bà Minh đề nghị.
Một lãnh đạo Sở NN&PTNT TPHCM cho biết, trong thời gian tới, các con tem này sẽ được nghiên cứu tích hợp vào một, hạn chế việc chồng chéo, lãng phí. Thời gian tới, thành phố sẽ tiến hành xây dựng bản đồ số hóa các vùng sản xuất rau sạch, bản đồ này sẽ được tích hợp và con tem truy xuất nguồn gốc. Khi đó, khi quét mã QR, người tiêu dùng sẽ biết vùng sản xuất rau này có đủ tiêu chuẩn không, hộ sản xuất có VietGAP chưa…
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các HTX tiến hành tới việc tham gia vào chương trình truy xuất nguồn gốc. Dần dần, chuẩn hóa lại các quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc, thống nhất quy định để dễ dàng hơn trong việc thực hiện. Đồng thời, sẽ mở rộng cửa cho các doanh nghiệp cung cấp giải pháp truy xuất tốt nhất tham gia nên không lo chuyện độc quyền về đơn vị cung cấp tem”, vị này nói.
Cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT TPHCM, Sở này hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu cho các đơn vị sản xuất rau quả đủ điều kiện tham gia chương trình.
Theo Công Quang - Tường Vy (Dân Trí)