"Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi".
Câu ca dao từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân Bình Định. Quen thuộc không phải ở nội dung tâm sự của người con gái muốn về làm dâu xứ "nẫu", mà còn ở món bánh đặc sản dân dã ở nơi đây: bánh ít lá gai.
Bánh ít lá gai có hình nón, đáy vuông, sắc cạnh, nhọn lên tới đỉnh, rất dễ phân biệt với các loại bánh khác. Bánh được gói bằng lá chuối xanh, sau khi hấp chín, màu xanh của lá chuối sẫm lại nhưng vẫn giữ được đường nét. Phần nhân bánh bên trong có màu đen nhánh, mịn màng, tỏa ra hương thơm ngào ngạt.
Người dân địa phương cho biết dù nhân bánh rất dẻo nhưng khi ăn không bị dính răng, cảm nhận đầu tiên là vị ngọt của đường sên, vị đắng nhẹ của lá gai, rồi đến vị bùi của đậu xanh, vị béo của dừa, vị cay the của gừng… Ai thưởng thức cũng bị mê hoặc.
Trước đây, bánh ít lá gai gắn với cuộc sống của người dân nghèo ở Bình Định. Nguyên liệu làm bánh gồm: lá gai, gừng, bột nếp, đậu xanh, dừa bào, đường, muối, dầu ăn, lá chuối để gói,… Các công đoạn làm bánh ít lá gai cũng vô cùng kỳ công. Lá chuối được cắt từng miếng lớn hơn bàn tay, hơ qua lửa cho mềm và khoanh tròn hình phễu, bôi một lớp dầu lên mặt để cho lá khỏi dính vào bánh sau khi hấp chín. Nặn bánh với nhân đậu và dùng tay xoay đến khi cái bánh tròn, gói kín trong lá chuối. Cuối cùng dùng xửng hấp bánh trong 20 phút là hoàn thành.
Bây giờ chỉ có các bà, các mẹ ở quê gói bánh ít trong những ngày lễ quan trọng như dịp Tết, nhà có cỗ. Bánh cúng xong được dọn lên mâm cỗ làm món quà tráng miệng và gói từng gói nhỏ làm quà biếu cho người ở nhà. Còn lại mọi người đều mua sẵn ở cửa hàng cho nhanh vì làm món bánh này khá kỳ công và mất thời gian", bạn Lan (ở Bình Định) kể.
Từ món bánh gắn với người dân nghèo, giờ đây bánh ít lá gai thành đặc sản nổi tiếng khắp nơi. Du khách đến Bình Định đều tìm mua về làm quà cho người thân, bạn bè.
Trên chợ mang và các sàn thương mại điện tử có rất nhiều địa chỉ rao bán bánh ít lá gai của Bình Định với giá khoảng 65.000 đồng/chục.
Chị Minh Phương (người bán các loại bánh đặc sản ở Bình Định) chia sẻ: "Xứ Tuy Phước quê mình nổi danh với món bánh ít lá gai. Bánh ở đây thơm và vị ngon hơn cả bởi người gói khéo léo và có tay nghề. Hầu hết du khách đến đây đều tìm mua thứ bánh đặc sản này. Trung bình mỗi đợt mình nhập từ 1000 - 2000 bánh, chỉ bán trong vòng 2 - 3 ngày là xong vì bánh cũng có thời hạn sử dụng ngắn".
Theo chị Phương, hiện nay bánh ít được gói cẩn thận, đóng túi zip nên thời gian bảo quản lâu hơn. Người mua nên tìm những địa chỉ có nguồn gốc rõ ràng, xem hạn sử dụng để đảm bảo mua được bánh mới, hương vị mới thơm ngon.
Theo H.A (Tri thức & Cuộc sống)