Khi Hà Nội đón những đợt không khí lạnh đầu tiên cũng là lúc trên chợ mạng xuất hiện nhiều tiểu thương bán bỏng gậy - thứ quà quê dân dã rất quen thuộc với nhiều đứa trẻ. Hiện món ăn vặt này được làm cầu kỳ hơn, với nhiều nguyên liệu khác nhau. Tuy có giá bán khá cao nhưng vẫn được nhiều khách thành phố đặt mua.
Bà Phạm Thị Hoài ở Xuân La, Xuân Đỉnh (Hà Nội) quê ở Nam Định. Trước đây, gia đình bà vừa bán hàng tạp hóa vừa làm nghề nổ bỏng gạo mưu sinh. Từ khi chuyển theo con cái ra Hà Nội, ở nhà trông cháu buồn, bà quyết định đem theo nghề nổ bỏng gạo lên làm và bán ngay tại cửa nhà mình.
Ngày đông rét mướt, thứ quà quê dân dã này được nhiều khách ưa chuộng
Nào ngờ, những túi bỏng gậy nổ từ gạo và nhiều nguyên liệu khác lại được rất nhiều người yêu thích. Có người mua túi nhỏ 20.000 đồng, người thì đặt cả túi nửa ký giá 50.000 đồng hay cả túi 1kg giá 100.000 đồng về ăn dần.
“Trước đây ở quê tôi, bỏng gậy chỉ được nổ từ gạo, đường và mì tôm. Nhưng ở phố, mọi người thích ăn ngon hơn nên tôi bổ sung một số thành phần khác như ngô, lạc, đậu để có hương vị thơm ngon. Chỉ cần nổ 1kg là khách sẽ có 1 túi bỏng gậy to, đủ ăn cả tuần”, bà Hoài nói.
Bà cho hay, một túi bỏng thường có đủ chất dinh dưỡng và giòn tan, ăn rất vui miệng nên mọi người ăn đến no. Tuy bán bỏng gậy quanh năm, nhưng vào mùa lạnh bỏng gậy bán chạy nhất.
“Mùa đông đến, hầu như khách nào đi qua nhà tôi cũng mua 1 túi bỏng gậy ăn, dù ai cũng công nhân ăn nhiều khá khô và khát nước. Thức quà vặt này hút khách từ sinh viên học sinh đến chị em công sở hay các bà nội trợ. Mọi người mua bỏng gậy vì nó gợi nhớ về món quà vặt tuổi thơ một thời”, bà Hoài chia sẻ.
Khi mới ra Hà Nội, nhà bà bán khá đắt khách do nhiều người thấy lạ miệng, tò mò muốn mua ăn thử. Một ngày, bà thường nổ khoảng 30-50 kg gạo và bán hết. Song, hiện nay, nhiều nhà cũng nổ bỏng gậy bán nên lượng gạo nổ bỏng gậy cũng giảm một nửa.
Một kg bỏng gậy có giá 100.000 đồng, mức giá một số khách cho rằng quá đắt đỏ so với giá bỏng gậy nơi khác bán. Nhưng bà Hoài giải thích, đắt xắt ra miếng, bởi giá bỏng gậy đắt hay rẻ hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên liệu làm bỏng. Bỏng nhà bà làm từ gạo tẻ, lạc rang, đỗ xanh rang, dừa khô, mì tôm, đường mía ăn rất thơm và an toàn. Nhà khác cho ít nguyên liệu hơn nên giá thành rẻ hơn cũng là điều dễ hiểu.
Chị Lê Thị Nghi, một bà nội trợ ở Xuân La, Hà Nội thường xuyên mua bỏng gậy về cho hai con nhỏ ăn. Từ đó, con chị đã bỏ được thói quen ăn bim bim.
“Trước hai con mình ngày nào cũng ăn bim bim, mình sốt ruột lắm nhưng không biết làm sao để chúng ăn ít thôi. Một lần đi làm về qua hàng bỏng gậy, mình mua thử một túi, về nhà ai ăn cũng khen giòn và thơm ngon. Đặc biệt, tụi trẻ cũng thích ăn lắm nên dần dần mình thay thế bim bim luôn. Giờ trong nhà lúc nào cũng có bỏng gậy", chị kể.
Theo Thảo Nguyên (VietNamNet)