Vợ chồng anh Đinh Duy Quang và chị Lê Thị Huyền ở Nam Định kết hôn năm 2010. Cưới xong, vợ chồng anh Quang có trong tay 2 cây vàng và số tiền mừng cưới 30 triệu đồng. Vợ chồng anh bắt đầu suy tính về hình thức tiết kiệm để sinh lời hiệu quả nhất.
Anh Quang là nhân viên kỹ thuật một siêu thị điện máy ở Hà Nội, lương tháng 10 triệu đồng. Còn chị Huyền vợ anh làm nhân viên kế toán một công ty nhỏ tư nhân, lương tháng 6 triệu. Tổng thu nhập của hai người được khoảng 16 triệu/tháng. Do mới lên Hà Nội nên vợ chồng anh vẫn phải ở trọ. Anh chị thuê một căn nhà trọ 25m2 ở Giáp Bát, giá 2 triệu đồng, chưa gồm tiền điện nước.
Cộng với tiền điện nước, tiền gas mỗi tháng hết khoảng 3 triệu đồng, vợ chồng anh cố gắng chi tiền ăn và các khoản sinh hoạt phí khác trong vòng 7 triệu đồng. Mỗi tháng, dư ra 6 triệu và anh chị để dành hết mua vàng.
Tháng 5/2010, khi vợ anh có bầu con đầu lòng cũng là lúc anh Quang quyết định mỗi tháng có lương sẽ dành dụm mua vàng tích lũy. Thời điểm ấy, giá vàng anh Quang mua là 2,8 triệu đồng/chỉ.
Với 6 triệu đồng dư ra, vợ chồng anh Quang quyết định mua 2 chỉ vàng/tháng. Những năm sau, dù giá vàng có lúc tăng cao nhưng lúc này thu nhập từ lương, thưởng của vợ chồng anh Quang cũng tăng. Vì thế, mỗi tháng họ cố gắng duy trì mua 2 chỉ vàng. Thậm chí, vào tháng 8/2020, khi giá vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước cũng vọt lên 60 triệu đồng/lượng, vợ chồng trẻ này vẫn đủ tiền mua 2 chỉ vàng/tháng.
“Để có khoản tiền cố định mua 2 chỉ vàng mỗi tháng, vợ chồng mình phải nỗ lực phấn đấu trong công việc để cải thiện mức lương, dù đang có con nhỏ. Ngoài ra, mình cũng tranh thủ làm thêm nghề sửa chữa điện lạnh mỗi khi vào hè nên cũng có đồng ra đồng vào chi tiêu gia đình và mua vàng tích lũy thêm.
Bởi, vợ chồng cùng dự định tiết kiệm mua vàng để mai này mua nhà trả góp cho cuộc sống ổn định hoặc để dành ra một khoản dắt lưng phòng lúc biến cố”, người đàn ông này nói.
Liên tục tiết kiệm mua vàng như vậy trong suốt 10 năm, vợ chồng trẻ này đã mua được 288 chỉ vàng. “Mỗi năm tính ra vợ chồng mình mua được 24 chỉ vàng. 12 năm vợ chồng mua được 240 chỉ vàng, tương đương với 24 lượng vàng”.
Tới tháng 2/2021, qua người thân, vợ chồng anh Quang biết một gia đình có nhu cầu bán căn nhà cấp 4 ở Thanh Trì, Hà Nội nên anh quyết định bán vàng đi để mua, dù giá vàng lúc đó giảm chỉ còn 56 triệu đồng/lượng.
“Dù giá vàng lúc đó giảm, nhưng căn nhà cấp 4 rộng 30m2 mặt ngõ rộng khá đẹp có giá bán chỉ 1,5 tỷ đồng. Vì thế, mình quyết định bán hết 24 cây vàng tiết kiệm được, cộng với 2 cây vàng hồi môn. Tổng là 26 cây vàng. Tính ra, vợ chồng mình bán vàng đi được hơn 1,4 tỷ. Mình vay thêm người nhà, họ hàng 100 triệu nữa. Thế là vợ chồng có nhà ở đi làm sau 10 năm tiết kiệm mua vàng tuy vẫn phải vay mượn nhưng không đáng kể”, anh Quang cho hay.
Khi chuyển tới nhà cấp 4 mua, vợ chồng anh không phải sửa sang nhiều vì ngôi nhà vẫn còn sử dụng được tốt. Vợ chồng anh Quang chỉ bỏ ra thêm khoảng 30 triệu sửa trần, còn đồ dùng trong nhà tận dụng được ngay khi chuyển tới.
Chia sẻ về quyết định mua vàng tiết kiệm mà không gửi ngân hàng hay chơi chứng khoán, anh Quang nói: “Tính vợ chồng mình đều không giỏi tiết kiệm. Thế nên gửi ngân hàng rất dễ rút ra tiêu dùng, chưa kể lãi suất ngân hàng thấp. Còn chơi chứng khoán, do không biết chơi và không am hiểu thị trường nên cũng chẳng dám mạo hiểm. Vì thế, cứ có lương là mình mua vàng bất kế lúc nào, dù giá lên cao hay xuống thấp.
Bởi suy cho cùng, vợ chồng mình đã coi đó là bản kế hoạch tài chính cá nhân dài hạn, là sự khởi đầu. Vì thế, công thức là mua vàng tiết kiệm dần kể cả giá cao. Nếu giá lên tiếp thì có lợi. Còn nếu giá giảm thì cũng có bình quân giá của lần tiết kiệm tiếp theo, miễn là có tiền dành dụm cho mục tiêu mua nhà hoặc khi nguy cấp. Vì khi có vấn đề nguy cấp cũng có cái xoay sở liền, không cần phải thủ tục giấy tờ rờm rà như khi mang tiền gửi ngân hàng”.
Theo Thảo Nguyên (VietNamNet)