Khả năng trả nợ rất khó khăn, vài năm trở lại đây, chúng ta phải vay đảo nợ, tức vay nợ mới để trả nợ cũ khiến nợ chồng lên nợ. Dự báo đến năm 2020 vẫn không khắc phục được, nguồn trả nợ vẫn từ nguồn vay mới và lên tới 252.000 tỉ đồng
Đại biểu HOÀNG QUANG HÀM (Phú Thọ)
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách Quốc hội Trần Quang Chiểu cho biết con số trên khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online.
Bội chi tiếp tục tăng rất nhanh
Theo ông Trần Quang Chiểu, điều băn khoăn nhất là nợ công không chỉ tăng mà đang tăng nhanh.
Bội chi năm 2018 theo dự toán vừa được Quốc hội thông qua là 3,7% GDP, tương đương 240.000 tỉ đồng. Trong khi báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết bội chi ngân sách năm 2017 khoảng 3,42% GDP, tương đương 174.300 tỉ đồng.
Như vậy, bội chi vẫn tiếp tục tăng rất nhanh và ở mức rất cao.
Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội diễn ra tuần trước, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cũng lo ngại bội chi cao, nợ công sát trần, thu ngân sách dự báo không đạt kế hoạch trung hạn, nhưng kỷ luật tài khóa chưa nghiêm.
Nợ công dự báo đến năm 2020 khoảng 4,2 triệu tỉ đồng.
Khả năng trả nợ rất khó khăn
Nói rõ thêm với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Hàm cho hay đáng ngại nhất là tiền trả lãi vay hàng năm chiếm khoảng 7 - 8% tổng chi ngân sách Nhà nước, ước bình quân một năm trả lãi hơn 100.000 tỉ đồng, xấp xỉ 50% tiền bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong 5 năm (2016-2020).
"Khả năng trả nợ rất khó khăn, vài năm trở lại đây, chúng ta phải vay đảo nợ, tức vay nợ mới để trả nợ cũ khiến nợ chồng lên nợ. Dự báo đến năm 2020 vẫn không khắc phục được, nguồn trả nợ vẫn từ nguồn vay mới và lên tới 252.000 tỉ đồng" - ông Hàm lo ngại
Để giảm nợ công, theo ông Chiểu, phải xem nguyên nhân nợ công tăng cao là gì.
"Nợ công tăng cao là do bội chi nhiều. Bội chi nhiều là do thu thấp hơn chi. Nếu giảm chi thì giảm bội chi, như vậy là giảm nợ công" - ông Hà nói.
Để giảm bội chi, ông Hàm cũng đề nghị phải tiết kiệm chi. Mấy năm nay Chính phủ đều chỉ đạo tiết kiệm 10% khoản chi thường xuyên trừ chi cho lương và các khoản chi cho con người. Do đó, tiết kiệm được thì phải giảm vay nợ.
Thông tin về tình hình thu - chi ngân sách 10 tháng đầu năm sáng 10-11, Bộ Tài chính cho biết tổng thu 10 tháng đạt 972.600 tỉ đồng, bằng 80,2% dự toán năm, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng chi ngân sách nhà nước 10 tháng đạt 1,013 triệu tỉ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Cụ thể, tổng chi đầu tư phát triển 10 tháng qua đạt 191.900 tỉ đồng. Chi trả nợ lãi đạt 80.900 tỉ đồng. Chi thường xuyên 10 tháng đạt 735.900 tỉ đồng.
Theo Lê Thanh (Tuổi Trẻ)