Mỗi ngày mở mắt Hòa Phát của ông Trần Đình Long phải gánh gần 10 tỷ đồng lãi vay

01/02/2024 11:00:54

Trong năm 2023, chi phí lãi vay của Hòa Phát lên đến gần 3.600 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với năm 2022 và là mức kỷ lục kể từ khi hoạt động.

Mỗi ngày mở mắt Hòa Phát của ông Trần Đình Long phải gánh gần 10 tỷ đồng lãi vay

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) có số dư nợ vay tài chính lên đến gần 65.400 tỷ đồng tại ngày 31/12/2023, chiếm gần 35% tổng tài sản. Con số này tăng gần 7.400 tỷ so với cuối quý 3 trước đó và là mức cao nhất trong vòng 5 quý. Với dư nợ hiện tại, Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp vay nợ nhiều nhất sàn chứng khoán.

Mỗi ngày mở mắt Hòa Phát của ông Trần Đình Long phải gánh gần 10 tỷ đồng lãi vay - 1

Nợ vay "khổng lồ" khiến Hòa Phát phải gánh chi phí lãi vay rất lớn lên đến hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ mỗi quý. Trong quý 4/2023, tập đoàn của ông Trần Đình Long chịu lãi vay 711 tỷ đồng, giảm 145 tỷ so với quý 3 trước đó và thấp hơn 222 tỷ so với cùng kỳ 2022. Đây là mức chi phí lãi vay thấp nhất trong vòng 7 quý của Hòa Phát. Dư nợ tăng nhưng chi phí lãi vay lại giảm nhiều khả năng do mặt bằng lãi suất trong quý 4/2023 thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Mỗi ngày mở mắt Hòa Phát của ông Trần Đình Long phải gánh gần 10 tỷ đồng lãi vay - 2

Tính chung cả năm 2023, chi phí lãi vay của Hòa Phát lên đến gần 3.600 tỷ đồng, vẫn tăng hơn 16% so với năm 2022 và là mức cao nhất kể từ khi hoạt động. Dù giảm liên tiếp trong 2 quý cuối năm nhưng lãi vay tăng cao trong nửa đầu năm đã kéo chi phí lãi vay cả năm 2023 lên cao kỷ lục. Ước tính bình quân mỗi ngày trong năm 2023, Hòa Phát phải gánh gần 10 tỷ đồng lãi vay.

Chi phí lãi vay lớn ăn mòn đáng kể lợi nhuận của Hòa Phát. Trong năm 2023, Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận liên tục hồi phục quý sau cao hơn quý trước nhưng lãi ròng luỹ kế cả năm vẫn giảm hơn 19% so với năm trước, xuống mức 6.800 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 1/5 so với mức kỷ lục đạt được năm 2021.

Mỗi ngày mở mắt Hòa Phát của ông Trần Đình Long phải gánh gần 10 tỷ đồng lãi vay - 3

Tiền gửi ngân hàng cũng rất lớn

Vay nợ nhiều nhưng Hòa Phát cũng có khoản tiền gửi tiền gửi vào loại "khủng" hàng đầu trên sàn chứng khoán. Thời điểm cuối năm 2023, doanh nghiệp đầu ngành thép có đến gần 22.200 tỷ tiền gửi ngân hàng (ngắn hạn), tăng 2.200 tỷ so với cuối quý 3 trước đó. Ngoài ra, Hòa Phát còn có gần 3.800 tỷ tiền mặt và 8.500 tỷ tương đương tiền.

Mỗi ngày mở mắt Hòa Phát của ông Trần Đình Long phải gánh gần 10 tỷ đồng lãi vay - 4

Lượng tiền gửi lớn giúp Hòa Phát "bỏ túi" những khoản lãi không nhỏ qua đó bù đắp phần nào chi phí lãi vay phải gánh. Trong quý 4/2023, tập đoàn nhận được 392 tỷ đồng lãi tiền gửi, giảm gần 15% so với quý trước và thấp hơn 11% so với cùng kỳ 2022. Đây là mức lãi tiền gửi thấp nhất Hòa Phát nhận được trong một quý 2 năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng xuống thấp kỷ lục.

Mỗi ngày mở mắt Hòa Phát của ông Trần Đình Long phải gánh gần 10 tỷ đồng lãi vay - 5

Nhìn chung, doanh nghiệp vừa vay nợ nhiều, vừa có tiền gửi ngân hàng khủng không phải chuyện hiếm. Duy trì một lượng tiền đủ đáp ứng cho các yêu cầu thanh toán từ đối tác hoặc đầu tư là điều cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Với trường hợp của Hòa Phát, tập đoàn đang dồn lực vào dự án trọng điểm Khu liên hiệp Dung Quất 2 với quy mô lên đến 3 tỷ USD nên luôn phải sẵn sàng một lượng tiền lớn.

Theo kế hoạch, dự án KLH Dung Quất 2 sẽ hoàn thành vào quý 1/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1. Tổng công suất thiết kế của dự án này là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt. Hòa Phát dự kiến sẽ mất khoảng 3 năm để công suất của Dung Quất 2 được vận hành đạt mức tối đa, qua đó nâng công suất thép thô lên hơn 14 triệu tấn/năm.

Theo một báo cáo gần đây của VNDirect, trong 9 tháng đầu năm 2023, ước tính Hòa Phát đã giải ngân 3.300 tỷ đồng đầu tư TSCĐ cho KLH Dung Quất 2. Tổng vốn đầu tư TSCĐ lũy kế đã giải ngân đến cuối quý 3/2023 là 12.700 tỷ đồng. CTCK này đánh giá việc giải ngân chậm là hợp lý vì Hòa Phát muốn đảm bảo thanh khoản và tránh môi trường lãi suất tương đối cao trong nửa đầu năm 2023.

VNDirect kỳ vọng Hòa Phát sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng trong giai đoạn 2024-25 để đảm bảo việc tăng công suất sản xuất HRC từ 3 triệu tấn hiện tại lên 6 triệu tấn trong nửa cuối năm 2025 (50% công suất thiết kế sẽ được đưa vào vận hành từ giai đoạn 1 của KLH Dung Quất 2). Sau khi được vận hành tối đa, dự án sẽ nâng cao triển vọng tăng trưởng của Hòa Phát giai đoạn 2025-27 với tốc độ tăng trưởng kép ước tính 30% khi bổ sung thêm 6 triệu tấn HRC vào công suất hiện tại.

Theo Hà Linh (An Ninh Tiền Tệ)

Nổi bật