Các bộ, ngành, địa phương sẽ thực hiện giảm 1,5-2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp mỗi năm.
Ảnh minh họa |
Theo Chỉ thị 02/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế, từ nay đến năm 2021, mỗi năm bộ, ngành, địa phương thực hiện giảm 1,5-2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao từ năm 2015.
Các nơi chưa giảm biên chế sự nghiệp năm 2016 so với biên chế được giao thì năm 2017 phải giảm tối thiểu 3%.
Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì bộ, ngành, địa phương tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế công chức hoặc biên chế sự nghiệp được cấp có thẩm quyền giao.
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Chỉ thị nêu rõ trường hợp thành lập mới trường, tăng số lớp và tăng số học sinh, bộ, ngành, địa phương tự cân đối trong tổng số biên chế sự nghiệp được giao; nếu không thể tự cân đối thì có đề xuất gửi Bộ Nội vụ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Lĩnh vực y tế cũng áp dụng tương tự khi thành lập mới cơ sở y tế, tăng số giường bệnh thực tế sử dụng...
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc quản lý và sử dụng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp đối với công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và nghỉ hưu, thôi việc theo quy định (giảm tối thiểu 50% số công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và nghỉ hưu, thôi việc theo quy định của Bộ, ngành, địa phương).
Thực hiện tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định (phẩm chất, năng lực, sức khỏe), những người dôi dư do xác định vị trí việc làm và sắp xếp tổ chức.
Người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện tinh giản biên chế.
Theo K.Linh (Zing.vn)