Mỗi năm "mất không" 2% doanh thu
Theo quy định, hiện doanh nghiệp viễn thông phải dùng 2% tổng doanh thu để nộp 2 loại phí kể trên.
Cụ thể, Luật Viễn thông năm 2009 đã quy định các doanh nghiệp viễn thông phải thực hiện nhiệm vụ viễn thông công ích do Nhà nước giao và đóng góp tài chính vào Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Quỹ này trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về viễn thông công ích trên phạm vi cả nước. Hiện nay, mức đóng góp là 1,5% doanh thu (mức tối đa là 5%) đối với các doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng.
Còn về phí quyền hoạt động viễn thông, theo quy định, khoản phí này nộp hàng năm theo tỉ lệ phần trăm doanh thu của các dịch vụ viễn thông quy định tại giấy phép, mức nộp không quá 1% doanh thu của doanh nghiệp nhằm thi hành chính sách của Nhà nước về viễn thông từng thời kỳ, đảm bảo bù đắp chi phí cho công tác quản lý viễn thông. Mức thực tế được Nhà nước áp là 0,5% doanh thu.
Kế hoạch thu vào Quỹ viễn thông công ích năm 2016 với 26 doanh nghiệp viễn thông là 1.850 tỷ đồng, chưa bao gồm số dự thu của FPT Telecom và Công ty cổ phần viễn thông thế hệ mới NGT.
Diễn đàn VPSF chỉ ra rằng, thông thường các hoạt động công ích mang tính tự nguyện chứ không phải bắt buộc và mức đóng góp trên doanh thu mà không tính trên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là bất hợp lý. Thực tế, để được cấp phép thiết lập mạng, khi xin phép, các doanh nghiệp viễn thông phải đáp ứng rất nhiều điều kiện theo quy định của Luật Viễn thông, cả về điều kiện kinh doanh và điều kiện kỹ thuật, đầu tư vốn dài. Nếu tính như trên sẽ kéo dài thời gian hoàn vốn và ăn sâu vào lợi nhuận của doanh nghiệp.
"Bẫy" doanh nghiệp?
Tuy khoản phí thực tế phải đóng thấp hơn rất nhiều khung tối đa nhưng nhiều doanh nghiệp rằng việc thu hai loại phí này không khuyến khích các doanh nghiệp phát triển hạ tầng mạng, dịch vụ kinh tế số, làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong khi việc sử dụng quỹ chưa được công khai, minh bạch đầy đủ.
Do đó, các doanh nghiệp cho rằng, đã đến lúc nên tính tới phương án bỏ khoản đóng góp vào Quỹ viễn thông công ích hoặc chuyển qua hình thức đóng góp khác phù hợp hơn. Bên cạnh đó là đề xuất bỏ phí cấp quyền hoạt động viễn thông phải đóng hàng năm.
Trao đổi với báo chí, đại diện một doanh nghiệp viễn thông, ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc Tập đoàn CMC, việc đóng 1,5% doanh thu của doanh nghiệp vào Quỹ viễn thông công ích là không hợp lý vì khi giao nhiệm vụ, đặt hàng doanh nghiệp phát triển dịch vụ viễn thông công ích, Nhà nước còn phải hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp.
"Hơn nữa, cũng không rõ căn cứ để tính ra mức 1,5% doanh thu. Đề nghị Chính phủ xem lại cách thu phí, đối tượng thu phí và việc sử dụng quỹ phải minh bạch, rõ ràng", ông nói.
Còn theo đại diện FPT Telecom, việc Chính phủ quy định những khoản phí trên là chưa hợp lý.
"Chính phủ ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng cáp quang, mở băng thông rộng hơn, tốt hơn và doanh nghiệp như FPT Telecom đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào mở rộng hạ tầng, thay đổi công nghệ nhưng mới chỉ đầu tư được vài năm đã phải nộp phí dịch vụ viễn thông công ích 1,5% doanh thu khiến doanh nghiệp kéo dài thời gian khấu hao so với dự kiến, co cụm đầu tư", ông này cho biết.
Theo ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc cấp cao về đầu tư mạo hiểm của Vina Capital, Quỹ dịch vụ toàn cầu (USF) là phổ biến ở các nước Châu Á (như là Malaysia, Myanmar và Pakistan). Chúng được dùng với mục đích để hỗ trợ cho các khu vực nông thôn nơi mà không có quá nhiều khả năng tạo thương mại cho các nhà khai thác.
Tuy nhiên, theo ông Trung, nhìn chung, các công ty viễn thông không thích những quỹ USF này bởi chúng có xu hướng không được tận dụng tối đa và sẽ trở thành (thường là thế) một khoản thuế cho ngành.
"Chúng tôi cũng lo ngại rằng, Chính phủ sẽ quyết định sử dụng nguồn quỹ này cho các hoạt động khác so với mục đích mà họ dự định ban đầu (ví dụ nó có thể tạo thành các khoản đọng lớn của một lượng tiền không thể kiểm soát). Ở một vài thị trường, sự minh bạch trong quản lý quỹ này là một thách thức", ông nói.
Theo Phương Dung (Dân Trí)