Thông tin này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ khi thời gian qua không ít môi giới “tay ngang” gia nhập thị trường để thổi giá đất, lừa đảo khách hàng.
Anh Nguyễn Dũng (nhân viên của một công ty môi giới bất động sản tại Hà Nội) chia sẻ, thời gian qua, hoạt động môi giới, đặc biệt trong phân khúc đất nền diễn ra khá "bát nháo".
"Trong khi nhân viên môi giới phải có chứng chỉ bất động sản mới được các sàn giao dịch bất động sản lớn ký hợp đồng lao động, thì thời gian qua rất nhiều người "tay ngang" sang làm môi giới. Họ chỉ đơn giản là thấy lợi nhuận thì làm, vì vậy không quan tâm nhiều đến pháp lý của dự án, quy hoạch 1/500 hay thậm chí là tư vấn không rõ, không quan tâm nhiều đến nguy cơ của khách hàng.
Tôi biết có những người còn lập đội nhóm với nhau chỉ chuyên đi "thổi giá" đất. Gần đây sốt đất bị dập, thị trường trầm lắng thì chính những người này cũng không còn trụ lại với nghề. Nhưng việc làm của họ ảnh hưởng rất nhiều đến những người làm nghề môi giới".
Anh Nguyễn Tuấn Phong (trưởng phòng của một công ty môi giới bất động sản tại Hà Nội) cho biết: "Tôi từng bị khinh thường ra mặt khi gọi điện tư vấn cho khách hàng. Có những người từng bị "cò mồi" dụ mua đất, sau khi xuống tiền mới biết không giống những gì được tư vấn. Thực tế có nhiều người để kiếm được tiền, họ bán hàng bất chấp. Từ đó, người mua có ác cảm với nghề môi giới.
Với tôi, môi giới và khách hàng là quan hệ cộng sinh. Khi tư vấn có tâm cho khách hàng, sản phẩm đáp ứng pháp lý, có lãi, sau đó họ sẽ lại tìm đến mình. Tôi rất ủng hộ việc siết lại hoạt động môi giới, không để cho ai thích làm gì thì làm".
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, môi giới bất động sản nên có chứng chỉ là cần thiết.
"Để làm môi giới bất động sản, cần am hiểu về nghề nghiệp, thị trường, pháp lý, thực tế của doanh nghiệp để tư vấn cho người mua. Môi giới bất động sản cần có kiến thức chuyên môn, được đào tạo bài bản để không có những tác động tiêu cực đối với thị trường.
Nếu môi giới không có chuyên môn sẽ dẫn đến tình trạng tư vấn không đúng về thị trường, hoặc chưa đủ pháp lý. Đồng thời, hiện nay, nhà đầu tư cũng đã có hiểu biết nhất định. Môi giới bất động sản cần có chứng chỉ để nâng cao chất lượng ngành nghề bất động sản.
Để triệt tiêu “cò mồi” cần rất nhiều yếu tố. Cơ chế chính sách cần có những tiêu chí bắt buộc để làm môi giới. Môi giới cần qua đào tạo, có chứng chỉ và am hiểu kiến thức về thị trường, pháp lý, phong thuỷ… để tồn tại bền vững trên thị trường bất động sản. Nếu không có kiến thức thì tự nhiên sẽ bị đào thải" - ông Điệp nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, sàn bất động sản phải chịu trách nhiệm với môi giới. Các môi giới sau khi có chứng chỉ, cách quản lý, hoạt động ở đâu, giao dịch cái gì đều xuất hiện trên hệ thống quản lý: "2 lần sửa Luật Kinh doanh Bất động sản đều khẳng định môi giới phải có chứng chỉ hành nghề.
Đến thời điểm này, dự thảo quy định chặt chẽ hơn, không cho môi giới hoạt động tự do mà phải dưới sự giám sát của sàn giao dịch. “Luật hướng đến làm sao quản lý được. Trước đây cơ quan nhà nước quản lý lỏng lẻo, môi giới cấp chứng chỉ xong nhưng người được cấp đi đâu làm gì không báo cáo ai, không ai giám sát. Các địa phương có hàng nghìn, hàng vạn môi giới không có chứng chỉ vẫn hoạt động bình thường.
Việc môi giới có chứng chỉ rất quan trọng. Thực tế, có những môi giới không có chứng chỉ vẫn hoạt động tốt nhưng tốt ở đây chỉ là doanh số bán hàng. Bản thân môi giới phải chuyên nghiệp vì đại diện bên bán, bên mua trong giao dịch và không được phép sai phạm. Vai trò môi giới nâng lên tầm cao hơn chứ không chỉ tư vấn bán hàng. Muốn làm được phải đào tạo. Nghề môi giới cũng giống như luật sư phải có học hành, thi cử” - ông Đính cho hay.
Theo Phan Anh (Lao Động)