Theo các cam kết khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa mạnh mẽ thị trường mua sắm công cho các doanh nghiệp (DN) ngoại tham gia. Các DN Nhà nước sẽ phải minh bạch hơn trong các gói thầu, thậm chí sẽ phải xóa bỏ lợi ích nhóm trong mua sắm công và không còn các khe hở để kiếm chác.
Theo ông Ninh Viết Định (EVN), về đấu thầu trong các lĩnh vực như y tế, xây dựng... trong hội đồng cần những người có chuyên môn tham dự. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Việt Nam chi khoảng 22 tỷ USD/năm mua sắm công
Phát biểu tại Hội thảo “Rà soát pháp luật đấu thầu Việt Nam với các cam kết về mua sắm công trong EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu)” do VCCI và Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ireland tổ chức ngày 27/1; đại diện Cục Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho rằng, pháp luật Việt Nam có phần lạc hậu. Nghiên cứu về tổng thể các quy định về pháp luật của Việt Nam và các cam kết gia nhập TPP cho thấy có những điểm khác biệt.
Chuyên gia đấu thầu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), ông Trần Trung Kiên cho rằng, Việt Nam cần có thêm các quy định về mở cửa thị trường cũng như minh bạch trong hoạt động đấu thầu quốc tế. Theo ông Kiên, về cơ hội chi tiêu, một năm Việt Nam chi cho mua sắm công khoảng 21-22 tỷ USD. Một phần khá lớn trong số tiền này được tài trợ từ các tổ chức quốc tế. Vì vậy, xét ở góc độ DN, cơ hội cho các DN Việt rất nhiều khi được phép tham gia thị trường mua sắm, đấu thầu công của Liên minh châu Âu với số tiền mua sắm hàng nghìn tỷ USD/năm. Đó là chưa tính đến thị trường TPP.
“Đây là cơ hội rất lớn so với những cơ hội mà chúng ta có ở thị trường nội địa hiện nay. Kỳ vọng rằng các quy định về đấu thầu sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng không chỉ giữa các DN trong nước với nhau, giữa các DN trong nước và nước ngoài mà còn góp phần tăng tính thu hút đối với các nhà đầu tư châu Âu đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới”, ông Kiên nói.
Theo đại diện Cty Honda Việt Nam, với góc độ là DN sản xuất kinh doanh hàng năm thực hiện rất nhiều gói thầu khác nhau, nhu cầu cạnh tranh là sống còn, vì vậy thời gian dành cho đấu thầu nên càng ngắn càng tốt, để giảm chi phí. Theo các quy định hiện nay, với DN, để mua 100 máy tính, chỉ cần 1-2 ngày, nhưng nếu thực hiện đấu thầu thì phải kéo dài tới 20 ngày đối với đấu thầu trong nước và tới 40 ngày nếu đấu thầu quốc tế. “Việc kéo dài như thế không cần thiết với các DN sản xuất và gây lãng phí đối với DN”, vị này nói.
Bỏ cơ chế chỉ định thầu một đơn vị
Ông Ninh Viết Định, Trưởng ban Đấu thầu của EVN cho rằng: “Chỉ định thầu ở các nước rất tiên tiến, họ không chỉ mời một đơn vị mà có thể mời 2 hoặc 3 đơn vị. Trong khi quy định của chúng ta cứng nhắc chỉ định thầu là chỉ được phép mời một đơn vị. Mâu thuẫn lớn nhất trong hiệp định cũng như trong luật của chúng ta chính là sự đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu và tư cách nhà thầu. Vì vậy, cần bỏ quy định chỉ định thầu với một đơn vị duy nhất như trong Luật Đấu thầu, bởi nó không giống với bất kỳ hình thức nào theo thông lệ quốc tế”.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), đại diện Nhóm nghiên cứu cho biết, báo cáo (của Nhóm nghiên cứu) cho thấy, khá nhiều điểm khác biệt giữa cam kết của EVFTA so với pháp luật đấu thầu Việt Nam như các cam kết về sử dụng phương tiện điện tử; lý do lựa chọn nhà thầu, giá gói thầu, thời hạn tối thiểu để nộp hồ sơ thầu, điều kiện tham dự thầu…
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)