Lộ trình trên không chỉ được đưa ra để thực hiện đúng theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ mà còn để minh bạch hoá các dự án BOT và tăng tiện ích cho người dân. Tuy nhiên, từ quyết tâm tới thực tế còn không ít rào cản.
Lợi ích thấy rõ mà vẫn vướng từ trạm tới người dân
Nếu đã sử dụng thu giá tự động, không khó để người dùng cảm nhận được sự tiện lợi khi chỉ mất vài giây là phương tiện có thể qua trạm thu giá mà không cần dừng hay giảm tốc độ. Về phía người dân, đơn vị cung cấp tín dụng hay cơ quan quản lý nhà nước, việc thu giá tự động sẽ minh bạch hoá quá trình thu giá và những dấu hỏi nghi vấn về hiện tượng quay vòng vé, nhập nhằng doanh thu sẽ không còn. Tuy nhiên, dù bắt đầu triển khai từ năm 2016 nhưng đến nay mới có 17 trạm BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh chính thức vận hành thu giá tự động với tối thiểu hai làn và tỉ lệ người trả phí tự động tại các trạm đã triển khai còn rất thấp.
Chẳng hạn, tại trạm BOT Hoàng Mai, Nghệ An - một trong những trạm triển khai khá sớm với lượng phương tiện trả phí tự động lớn, trung bình mỗi ngày trạm có doanh thu khoảng 890 triệu đồng nhưng thu phí tự động chỉ vào khoảng 60 triệu đồng, chiếm tỉ lệ chưa tới 7%. Tại các trạm khác, con số này còn thấp hơn nhiều và theo thống kê lượng xe đã dán tem để thu phí tự động trên toàn quốc mới đạt hơn 400.000 phương tiện dù việc dán tem đã được triển khai tại các trạm đăng kiểm, trạm thu phí cũng như một số điểm lưu động.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, có nhiều nguyên nhân khiến việc thu phí tự động bị ỳ ạch trong đó có chuyện một số nhà đầu tư né tránh không muốn thu phí tự động vì ngại minh bạch. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư BOT cho biết họ ủng hộ chủ trương thu phí không dừng nhưng không muốn ký hợp đồng với VETC vì đó là dạng “đàm phán ép buộc” kiểu độc quyền, vì hiện mới có công ty này chính thức được cung cấp dịch vụ thu phí không dừng và mức thu phí trên tổng doanh thu còn cao.
Còn khảo sát tại một số trạm đăng kiểm cho thấy nhiều chủ xe chưa quan tâm và không muốn dán tem thu giá tự động dù được dán miễn phí. Trao đổi với Báo Lao Động, ông Phan Đức - Giám đốc Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 1501V - Hải Phòng cho biết đơn vị ông triển khai dán tem thu phí không dừng từ rất sớm vào cuối năm 2016 nhưng phần lớn khách hàng chưa quan tâm, thậm chí không đồng ý cho dán tem vì chưa có nhiều trạm thu phí triển khai thu phí không dừng hoặc có triển khai thì mới có một làn còn phần lớn đều thu phí theo mô hình cũ.
Nhiều chủ xe khi được hỏi cho biết, chưa biết về dịch vụ này hoặc chỉ nghe qua chứ chưa hiểu cách dùng. Có chủ xe đã dán tem hơn một năm nhưng “không buồn” nạp tiền vì vẫn quen trả kiểu thủ công.
Còn theo ông Lê Tiến Khánh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Phú Thọ - Hiệp hội cũng như các DN đều ủng hộ chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT nhưng thực tế tới nay việc dán tem cũng như sử dụng thu giá tự động chưa nhiều vì “không phải trạm nào cũng thu giá tự động và còn có quá ít thông tin nên các lái xe vẫn dùng vé”. Ông Khánh cho rằng, khi nào các trạm thu giá tự động hết và bắt buộc thì các lái xe sẽ tuân thủ chứ hiện nay một xe từ Bắc vào Nam “chỗ tự động, chỗ không thì khó”.
Thu giá BOT tự động với 3,2 triệu ôtô: Quyết tâm phải kèm giải pháp toàn diện
Trao đổi với Báo Lao Động, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết để thực hiện được quyết tâm thu giá tự động trên cả nước, bộ đã giao Tổng cục Đường bộ làm đầu mối triển khai hàng loạt các biện pháp cùng lúc. Với chủ đầu tư các dự án BOT, bên cạnh việc đẩy nhanh quá trình đàm phán, bộ sẽ thúc đẩy việc hoàn thiện hồ sơ để sớm có thêm các đơn vị cung cấp dịch vụ thu giá tự động để có cạnh tranh về giá, chất lượng dịch vụ.
Bộ GTVT cũng sẽ “ép” các trạm BOT lắp thu giá tự động trên tất cả các làn thay vì 1-2 làn như hiện nay đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan vào cuộc để dán tem thu giá tự động trên tất cả các phương tiện lưu thông.
Bên cạnh việc dán tem tại các trạm đăng kiểm, Bộ GTVT sẽ làm việc với các nhà sản xuất, phân phối ôtô để xe mới xuất xưởng có luôn tem thu phí tự động ngoài ra Tổng cục Đường bộ sẽ “tung quân” làm việc với các hiệp hội vận tải, các cơ quan, tổ chức để “đến tận nơi dán tem”. Ngoài ra, để thuyết phục người dân sử dụng dịch vụ này, Bộ GTVT khẳng định sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Liên quan tới việc mở rộng thêm đơn vị cung cấp dịch vụ trên, Bộ GTVT cho biết đang phối hợp để đẩy nhanh các thủ tục để Cty VietinF tiến hành đấu thầu trong tháng 6 và dự kiến tới tháng 9 sẽ có thêm nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động.
Trao đổi với PV về hai khái niệm “thu phí” và “thu giá”, lãnh đạo vụ Đối tác công tư (PPP) cho biết cả hai thuật ngữ trên đều chỉ việc thu phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn cho các dự án BOT giao thông. Tuy nhiên, trước ngày 1.1.2017, tất cả các dự án đều gọi là “thu phí”, thẩm quyền quyết định mức phí thuộc về Bộ Tài chính và mỗi dự án sẽ có một thông tư riêng về việc thu phí, mức phí cũng như lộ trình tăng phí. Còn sau ngày 1.1.2017, khi luật phí và lệ phí chính thức có hiệu lực, thuật ngữ này chuyển thành “thu giá” và thẩm quyền quyết định thuộc về Bộ GTVT. “Chính vì chuyển về cho Bộ GTVT quản lý thì thời gian qua, bộ mới có thẩm quyền để giảm phí cho các dự án, chứ trước đó có được giảm đâu”, đại diện này lý giải. Do không nhiều người biết về bản chất sự thay đổi này, nên thời gian qua còn có ý kiến cho rằng có sự nhập nhằng giữa hai khái niệm.
Theo Khánh Hòa (Lao Động)