Theo kế hoạch, Media Mart sẽ nâng số điểm bán tại từ 9 hiện nay lên con số 20 trong thời gian tới. |
“Nhu cầu về tài chính là cần thiết với bất cứ doanh nghiệp điện máy nào chứ không riêng gì Media Mart”, ông nói.
Chỉ bán dưới 50%
Thông tin Media Mart đang tìm kiếm đối tác ngoại để hợp tác, bán cổ phần được xem là một “ngã rẽ bất ngờ” đối với giới kinh doanh và thực tế của hoạt động của các doanh nghiệp điện máy ở thời điểm hiện tại.
Sở dĩ vì cách đây vài tháng, giới kinh doanh trong ngành này cũng đã bàn tán về một đại gia điện máy có nhiều khả năng bị một nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực hoặc chính doanh nghiệp điện máy cỡ bự trong nước thâu tóm.
Tuy nhiên, doanh nghiệp trong “tầm ngắm” có khả năng cao nhất lại không phải là Media Mart mà được nhắm vào điện máy Pico vì doanh nghiệp này khá im ắng và gần như đã không mở thêm một siêu thị nào trong một hai năm lại đây.
Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, đã có một số nhà đầu tư ngoại trong khu vực và châu Á, cụ thể là của Singapore và Nhật Bản – những tập đoàn rất mạnh về quản lý và triển khai bán lẻ - đã đến đàm phán hợp tác và mua cổ phần. Các công đoạn, điều khoản cơ bản hai bên đã thống nhất nhưng phía đối tác đề nghị được mua trên 50% (để chi phối) nhưng Media Mart đã từ chối không bán.
“Chúng tôi chỉ tập trung vào bán lẻ, chỉ làm điện máy, không làm đa ngành đa nghề, đó là cần câu cơm của mình nên không bán trên 50%. Mình phải là người làm chủ chứ”, ông Hải nói.
Theo vị giám đốc marketing của điện máy Media Mart, việc hợp tác với đối tác ngoại là hoàn toàn tích cực và Media Mart vẫn đang tiếp tục đàm phán tìm kiếm cơ hội. Bởi, doanh nghiệp vừa được có thêm “bệ đỡ” về tài chính, vừa được tiếp cận kinh nghiệm quản lý, triển khai bán lẻ hiện đại từ các tập đoàn nước ngoài.
“Hầu hết các doanh nghiệp điện máy hiện đều có nhu cầu sử dụng phương án tài chính, nó vừa là xu hướng, vừa là cuộc đua để mở rộng điểm bán. Khi có độ phủ rộng khắp sẽ mở rộng được thị phần, tăng khả năng nhận diện thương hiệu và phát triển hệ thống logistics”, vị này nói.
“Làn sóng” mở rộng chuỗi phân phối
Thực tế, một số doanh nghiệp điện máy sau khi bán lượng lớn cổ phần cho đối tác ngoại và có thành viên của đối tác tham gia vào ban lãnh đạo công ty, đều đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng điểm bán với tốc độ… chóng mặt.
Đơn cử như điện máy Nguyễn Kim, sau khi được Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại 49% cổ phần hồi đầu năm 2015, doanh ngheiẹp này đặt mục tiêu phát triển mạng lưới lên hơn 50 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2019 so với 20 cửa hàng hiện nay. Điều đó có nghĩa là mỗi năm Nguyễn Kim sẽ mở mới khoảng từ 7-8 điểm bán.
Điện máy Trần Anh còn “gấp gáp” hơn. Tháng 6/2015, đối tác là Tập đoàn bán lẻ điện tử tiêu dùng Nojima (Nhật Bản) nâng tỷ lệ sở hữu lên 31%, Trần Anh sau đó tuyên bố sẽ mở một loạt siêu thị trong những tháng còn lại của năm 2015.
Cụ thể là trong quý 4/2015, Trần Anh mở thêm 9 siêu thị quy mô lớn tại miền Bắc và miền Trung, nâng tổng số lên 24 siêu thị điện máy. Mới đây nhất, cuối tháng 10, công ty này đã mở thêm siêu tại trung tâm mua sắm AEON Mall Long Biên theo “phiên bản” siêu thị của Nojima.
Giám đốc marketing của Media Mart, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, chính bản thân các nhà đầu tư ngoại cũng đang muốn thông qua hợp tác với các đối tác để mở rộng điểm bán của mình. Cụ thể như đối tác tại Singapore như đề cập trên. Doanh nghiệp ngoại muốn mở rộng vì thị trường điện máy bản địa tại Singapore đang giảm sâu.
“Dù chưa có vốn của đối tác ngoại thì Media Mart vẫn đang tiếp tục mở rộng nhanh vì đây là chiến lược rồi”, vị này cho biết, "trong quý 4/2015, hãng sẽ tiếp tục khai trương thêm các siêu thị mới đặt tại Hà Nội, Lào Cai… để sớm đạt mốc 25 siêu thị tại các đô thị trọng điểm của miền Bắc".
Theo Thủy Diệu (Vneconomy.vn)