Bà Võ Thị Xuân Trang đứng lớp trong một giờ học thanh lịch của trường John Robert Powers Việt Nam. Kể từ sau đám cưới bạc tỷ của Primmy Trương với thiếu gia Phan Thành vào cuối tháng 1 năm nay, nhiều người đã vô cùng ngạc nhiên với nhan sắc tuổi trung niên của bà Võ Thị Xuân Trang, mẹ ruột của nàng beauty blogger nổi tiếng.
Đứng chung sân khấu với cô con gái xinh đẹp, bà Xuân Trang vẫn vô cùng nổi bật với khí chất toát ra của một người phụ nữ quyền lực.
Bà Xuân Trang được nhiều người biết đến với vị trí hiệu trưởng trường Phát triển cá nhân & Đào tạo tài năng John Robert Powers Việt Nam, ngôi trường được mệnh danh chỉ dành cho hội con nhà giàu và các nghệ sĩ nổi tiếng theo học.
Mẹ vợ Phan Thành cũng là cô giáo đào tạo nhiều người nổi tiếng như: Hoa hậu Đặng Thu Thảo, Phạm Hương, H’Hen Niê, Á hậu Dương Trương Thiên Lý.
Với kinh nghiệm hoạt động lâu năm trong ngành giáo dục lại là hiệu trưởng của một ngôi trường danh tiếng nên trong suốt 3 mùa Hoa hậu Hoàn Vũ liên tiếp, mẹ Primmy Trương được mời làm giám khảo chấm thi mùa giải Phạm Hương, H’Hen Niê và Khánh Vân đăng quang.
Bằng sự nhiệt huyết, đam mê và bản lĩnh của một người phụ nữ hiện đại, bà Xuân Trang đã xây dựng sự nghiệp riêng thành công khiến nhiều người ngưỡng mộ.
"Tiếng sét ái tình" trong chuyến công tác tại Mỹ
Đằng sau thành công của mỗi nữ doanh nhân đều là một câu chuyện riêng, những trải nghiệm nhiều khi phải đánh đổi không chỉ mồ hôi mà cả nước mắt. Riêng với bà Võ Thị Xuân Trang, điều đó lại xuất phát từ "tiếng sét ái tình" gặp phải trong chuyến công tác tại Mỹ.
Bà Võ Thị Xuân Trang tốt nghiệp đại học sư phạm ngành Anh văn, đi làm ngân hàng, rồi sau đó đi làm tại Fujifilm Việt Nam. Thời điểm giữa năm 2005, Xuân Trang khi ấy đang là giám đốc cao cấp của Fujifilm Việt Nam, đã có điều kiện tháp tùng cùng phái đoàn công tác đến Mỹ.
Trên chuyến xe đường dài từ Los Angeles đến Las Vegas, một hướng dẫn viên du lịch người Hong Kong đã kể cho bà nghe nhiều điều thú vị về Đại học Harvard, ngôi trường bà đặc biệt yêu thích khi còn trẻ.
Người hướng dẫn viên đó kể rằng, con mình đang học tại Đại học Harvard và để vào được trường đó, bạn phải vừa học siêu giỏi vừa đóng phí rất cao nhưng có những đối tượng ưu tiên. Ví dụ như phải chọn một trong hai người cùng đạt điểm mười, giữa người Mỹ và người ở đất nước kém phát triển hơn, trường sẽ ưu tiên cho đối tượng thứ hai. Bởi vì, sinh viên đó sau tốt nghiệp có thể trở về và đem kiến thức đã được đào tạo phục vụ tốt hơn cho quê hương đất nước mình.
Nghe xong, bà đã ngồi lặng im và suy nghĩ về cuộc đời mình, về công việc hiện tại, tất cả có thực sự khiến bản thân hạnh phúc và ý nghĩa hay không? Bất chợt, bà muốn một công việc mới mẻ.
2 tháng sau, Xuân Trang có chuyến công tác ở Hà Nội. Trong lúc dùng buffet tại nhà hàng, cô bạn đồng nghiệp của bà đi lấy thêm thức ăn, một người khách đã nhanh tay bê chiếc ghế tạm vắng chủ sang bàn khác mà không hề nói lời nào với bà. Cách cư xử kém lịch sự ấy đã khiến bà suy nghĩ và bộc phát thành hành động khi trở về TP.HCM.
Bà Xuân Trang lập tức viết thư xin nghỉ việc để mở trường dạy những kỹ năng cần thiết, giúp các bạn trẻ tự tin thanh lịch và chuyên nghiệp trong công việc. Nghe bạn bè nói về ngôi trường rất nổi tiếng ở Mỹ, bà liền lên mạng tìm tên trường.
Tìm hiểu kỹ về John Robert Powers, bà đã vô cùng mừng rỡ và liền gửi email ngắn gọn đề cập thẳng vấn đề muốn được nhượng quyền thương hiệu John Robert Powers tại Việt Nam. Nhưng ngày qua ngày, vẫn bặt vô âm tín.
Sau đó, không thể chờ đợi được thêm, bà đã gửi email nói lên khao khát của mình về ngôi trường John Robert Powers sẽ giúp người trẻ Việt Nam như thế nào. Chỉ khi đó, bà Xuân Trang mới được hồi đáp.
Một tuần sau khi nhận được hồi âm, Xuân Trang sang Mỹ đàm phán nhượng quyền thương hiệu. Thật ngạc nhiên là các khâu tiếp theo, xin giấy phép, thuê mặt bằng, thiết kế và xây dựng được chị hoàn thành chỉ trong vòng bốn tháng.
Đầu năm 2006, John Robert Powers chính thức có mặt tại Việt Nam. Đến nỗi, đại diện bên nhượng quyền thương hiệu cho bà phải thốt lên rằng chưa từng thấy người nào làm nhanh tới vậy.
Trở thành hiệu trưởng của ngôi trường danh giá, bà xem đấy như thắng lợi đầu tiên, nhưng liền đó là thất bại nặng nề trong suốt một năm.
Quyết định bán nhà ở Phú Mỹ Hưng để theo đuổi hành trình với John Robert Power Việt Nam
Việc đột ngột kết thúc công việc gắn bó 9 năm và đang trên đà thăng tiến cao, để mở trường John Robert Powers Việt Nam, khi chưa có sự chuẩn bị cũng như kinh nghiệm đã khiến bà Xuân Trang gặp không ít khó khăn trong quá trình khởi nghiệp .
15 năm tuy không quá dài nhưng việc đưa một "sản phẩm" có vẻ trừu tượng, mới mẻ là dạy về phát triển nhân cách cá nhân và phát huy tài năng về Việt Nam trong khi thị trường chưa có nhu cầu thì tưởng chừng nằm ngoài tầm với.
Khi mới nhận nhượng quyền và đưa trường về Việt Nam, đã có người cảnh báo với bà chỉ 2 năm thôi là John Robert Power sẽ đóng cửa, nhưng bà vẫn kiên quyết, đã theo đuổi thì nhất định không buông bỏ.
2 năm đầu là thời gian đầy khó khăn, tiền quảng cáo và chi phí khác bỏ ra rất nhiều nhưng không thu được lợi.
Trong 6 tháng đầu, bà chi mấy chục ngàn đô cho quảng cáo mà chẳng mang lại kết quả. Người ta xem quảng cáo xong chẳng những không tin mà còn gọi điện… chửi vì học phí quá cao. Lại thêm, một bài báo viết rằng trường này giúp học viên quăng tiền qua cửa sổ, rằng việc học đi đứng, học ăn nói là vô bổ.
Kết quả, trường quá ít người học, nhân viên bỏ đi. Lúc đầu bà bị trầm cảm vì không ai chia sẻ, không ai hiểu mình, ngay cả người trong gia đình. Trong cảnh bế tắc ấy, bà tìm đến sách và đọc được câu châm ngôn "Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường".
Thế là bà Xuân Trang quyết định bán miếng đất cha mẹ cho ở Phú Mỹ Hưng để tiếp tục hành trình với John Robert Power Việt Nam. Suốt 15 năm hoạt động nhưng mãi đến năm thứ 8, thứ 9, việc vận hành mới bắt đầu "dễ thở" và đến nay thì John Robert Power đã "hữu xạ tự nhiên hương".
Được biết, hệ thống Trường John Robert Powers khá mạnh ở Mỹ, trụ sở đầu tiên xây dựng vào năm 1923 và sang châu Á những năm 1980. Khi khảo sát ở Việt Nam, bà thấy chưa có trường nào đạo tạo về những kiến thức nhân cách.
Cái khó là mỗi giáo trình của John Robert Powers dạy theo lứa tuổi, mà sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi ở các nước phát triển có khác so với ở Việt Nam, mỗi môn học lại không nhiều thời gian. Thành ra bà đã phải nghiên cứu, khảo sát để đưa ra những thay đổi phù hợp với con người Việt Nam.
Sau 40 tuổi chưa có sự nghiệp, sẽ ở nhà làm hậu phương cho chồng
Gần hai mươi năm sau lời tuyên bố về sự nghiệp ấy, nữ doanh nhân không ở nhà làm nội trợ. Nhưng đảm đương cả công việc kinh doanh và làm mẹ, làm vợ nên nhiều lúc khiến bà Trang cũng cảm thấy bức bối.
Thời gian trước, bà rất muốn có thêm một đứa con, nhưng công việc quá nhiều khiến bản thân sợ sinh con thì sẽ không chu toàn được cả hai, nên đành chọn công việc.
Tuy nhiên, làm chủ doanh nghiệp cho phép bà chủ động thời gian hơn. Bình thường bà về nhà lúc 5 giờ chiều, chăm sóc chuyện nhà cửa. Dù có người giúp việc nhưng bà vẫn thường xuyên nấu ăn cho chồng con. Sau đó thì chuyện trò, làm những điều nho nhỏ mà chồng, con thích lúc con gái chưa đi lấy chồng.
Bà chia sẻ, người phụ nữ không được cho là thành đạt, dẫu có thành công đến mức nào, nếu như chồng, con họ không cảm thấy hạnh phúc.
Bà Trang cho biết, hai vợ chồng vẫn thích chở nhau đi chợ, bà thì mua sắm, còn chồng ngồi đọc báo, trông xe, rồi cùng nhau về nhà nấu nướng. Tận hưởng hạnh phúc gia đình, người ta sẽ thấy tiền chỉ là số hai. Bởi khi trân trọng đồng tiền chứ không xem trọng nó, việc kinh doanh của mình cũng sẽ thanh thản hơn, thành công cũng dễ đến hơn.
Sống lâu nhờ mẹo "xoè bàn tay, đếm ngón tay" kéo dài 5.000 năm của người Nhật: Kì diệu, dễ thực hiện!