Tết Trung thu đang đến gần. Thị trường đồ chơi dành cho trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Cùng với các loại đồ chơi truyền thống: đèn lồng, đèn ông sao, tò he… thời gian qua, trên thị trường cũng xuất hiện nhiều loại đồ chơi bạo lực, không có dấu hợp quy. Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.
Lật tập hồ sơ xử lý vi phạm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ Đội QLTT số 1 tỏ lo ngại trước tình trạng một số “đầu nậu” vì tư lợi đã thu gom các sản phẩm đồ chơi bạo lực, không có dấu hợp quy về “tuồn” ra thị trường. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mới đây vào lúc 10h15 ngày 12-9, Tổ công tác của Đội QLTT số 1 qua kiểm tra đã phát hiện trong ngõ Quan Thổ 1, quận Đống Đa, một lô hàng gồm 96 khẩu súng đồ chơi.
Đồ chơi bạo lực bị Đội QLTT số 1 thu giữ. |
Tại thời điểm kiểm tra, Hà Ngọc Ninh ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chủ số hàng trên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ và toàn bộ số súng đồ chơi trên là mặt hàng cấm kinh doanh, mua bán. Ngay sau đó, tổ công tác đã lập biên bản xử lý vụ việc.
Tiếp xúc với các cán bộ QLTT số 1, chúng tôi được biết, để phát hiện, bắt giữ những vụ vận chuyển, mua bán các sản phẩm đồ chơi bạo lực với số lượng lớn, lực lượng làm nhiệm vụ phải xác định đúng thời điểm các “đầu nậu” giao, tập kết hàng. Bởi chỉ chậm một chút, các “đầu nậu” sẽ tẩu tán hoặc “tuồn” đồ chơi bạo lực đến nơi tiêu thụ.
Điển hình vào sáng 21-9, nhận được báo về việc có một “đầu nậu” sẽ tập kết đồ chơi bạo lực ở khu vực quận Hà Đông, ngay lập tức một tổ công tác của Đội QLTT số 1 đã có mặt tại địa bàn rà soát, xác minh thông tin. Kết quả, 10h cùng ngày, tổ công tác đã phát hiện trước cổng một căn nhà ở địa bàn phường Phú Lãm, quận Hà Đông có nhiều thùng carton chứa 120 khẩu súng đồ chơi.
Tiến hành xác minh, tổ công tác xác định chủ hàng là Nguyễn Văn Thái, ở quận Hà Đông. Do không xuất trình được hóa đơn, chứng từ cũng như đây là mặt hàng mà pháp luật cấm kinh doanh, mua bán nên tổ công tác đã lập biên bản thu giữ toàn bộ số đồ chơi trên.
Các cửa hàng đồ chơi đang “vào mùa”. |
Được Đội QLTT số 1 tạo điều kiện, chúng tôi đã tiếp cận kho tang vật của Đội. Nhìn hàng trăm khẩu súng đồ chơi bắn đạn cao su, mút mà Đội thu giữ trước đó, chúng tôi không khỏi lo ngại, bởi nếu số đồ chơi này ra thị trường, trẻ mua và sử dụng thì hệ lụy kéo theo rất khôn lường.
Liên quan đến vấn đề này, thống kê của Đội QLTT số 2 cho thấy, chỉ tính trong 3 tháng (tháng 6, 7 và tháng 8), Đội QLTT số 2 đã lập biên bản xử lý 121 vụ việc vi phạm, tổng số tiền thu nộp hơn 1,8 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm bị lập biên bản xử lý chủ yếu là vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, kinh doanh hàng nhập lậu, kinh doanh hàng hóa dịch vụ có điều kiện mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, niêm yết giá hàng hóa, vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh...
2. Những ngày này, rảo bước qua một số tuyến phố được cho là “phố đồ chơi” của thành phố Hà Nội như: Hàng Mã, Chả Cá, Lương Văn Can… dễ dàng bắt gặp hình ảnh đông các bậc phụ huynh, trẻ nhỏ tìm đến các cửa hàng đồ chơi. Từ ôtô điều khiển từ xa, búp bê, siêu nhân… cho đến rôbốt lắp ghép, chạy bằng pin, tất cả đều được bày bán trong các cửa hàng.
Sẽ không có gì đáng bàn nếu không có sự xuất hiện của những sản phẩm đồ chơi không có dấu hợp quy, mang tính bạo lực ở nơi đây. Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 2 cho hay, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện nay có hơn 30 cửa hàng kinh doanh đồ chơi.
Thời điểm hiện này đang vào “mùa” bán đồ chơi của các cửa hàng, nên một số chủ cơ sở đã lén nhập đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, mang tính bạo lực về bán ra thị trường. Nói vậy cũng bởi, ngày 12-9, qua kiểm tra, tổ công tác của Đội QLTT số 2 phát hiện tại cửa hàng kinh doanh ở số 4A phố Chả Cá (quận Hoàn Kiếm) có 152 sản phẩm đồ chơi không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Biết rõ hành vi kinh doanh đồ chơi không có dấu hợp quy, mang tính bạo lực là bị cấm, nên chủ các cửa hàng kinh doanh sản phẩm này thường dùng nhiều thủ đoạn để “né” lực lượng chức năng. Ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2 cho biết, chủ kinh doanh đồ chơi bạo lực thường chào hàng một nơi, giao hàng một nơi, không bày bán công khai đồ chơi bạo lực…
Các bậc phụ huynh cần lựa chọn đồ chơi an toàn cho trẻ. |
Một số “đầu nậu” còn sử dụng hình thức kinh doanh lưu động, không cố định tại một địa điểm. Do đó, lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý các cửa hàng kinh doanh đồ chơi bạo lực, không có dấu hợp quy.
Đồng quan điểm trên, ông Kiều Đình Tuấn, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 1 cũng cho rằng, để phát hiện xử lý các trường hợp kinh doanh đồ chơi bạo lực với số lượng lớn là rất khó khăn, vì trên thực tế, chủ các cửa hàng thường không tập kết nhiều sản phẩm đồ chơi bạo lực ngay tại cửa hàng. Có chăng chỉ là một vài sản phẩm.
Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ thu giữ đồ chơi bạo lực trong thời gian qua của Đội đều được phát hiện tại các điểm tập kết, trung chuyển thay vì các cửa hàng cố định. Bên cạnh đó, trong dịp Tết Trung thu này, một số “đầu nậu” còn sử dụng cả mạng Internet, giao dịch đồ chơi bạo lực theo kiểu online. Khi khách có nhu cầu đặt hàng, sẽ giao hàng đến tận nơi. Đây cũng là một trong những thủ đoạn gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình làm nhiệm vụ.
3. Nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng đồ chơi, ngày 26-6-2009, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN về việc ban hành và thực hiện “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em”.
Theo đó, kể từ ngày 15-4-2010, đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em ban hành kèm theo Thông tư này. Vậy nhưng khi khảo sát thực tế, tại nhiều cửa hàng kinh doanh đồ chơi trên địa bàn thành phố hiện vẫn xuất hiện khá nhiều sản phẩm đồ chơi không có dấu hợp quy theo quy định, khiến người tiêu dùng, trong đó có trẻ nhỏ như lạc vào “mê hồn trận”.
Ông Kiều Đình Tuấn cho hay, một số nhà sản xuất nắm bắt tâm lý trẻ thường thích những loại đồ chơi bắt mắt, sặc sỡ sắc màu, đèn nhấp nháy… nên thời gian qua cung cấp ra thị trường những sản phẩm không đảm bảo yếu tố an toàn kỹ thuật, chất lượng và tất nhiên những sản phẩm này không được cơ quan có thẩm quyền cấp dấu hợp quy theo quy định.
Cán bộ Đội QLTT số 2 kiểm tra một cửa hàng kinh doanh đồ chơi trên phố Hàng Mã. |
Để rồi nhiều bậc phụ huynh không hiểu hết những hệ lụy đi kèm đã mua và cho con em mình sử dụng. Ông Kiều Đình Tuấn dẫn dụ, điển hình như thiết bị đèn laze được gắn kèm với súng đồ chơi mà Đội QLTT số 1 thu giữ vào sáng 12-9 vừa qua. Loại đèn laze này khi chiếu vào mắt sẽ dễ khiến thị lực của trẻ bị ảnh hưởng. Đấy còn chưa kể đến các loại đồ chơi không có dấu hợp quy được làm bằng nguyên liệu chứa nhiều độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Dưới góc độ tâm lý học, Tiến sĩ tâm lý học Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý học – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, trẻ nhỏ rất cần không gian, đồ chơi để vui chơi giải trí. Nên khi để trẻ tiếp xúc với các sản phẩm đồ chơi mang tính bạo lực sẽ khiến trẻ có những hành vi theo chiều hướng tiêu cực, dễ bị lệch lạc quan điểm sống - hành vi giao tiếp, ứng xử.
Đấy còn chưa kể tới việc khi trẻ tiếp xúc, sử dụng đồ chơi không đảm bảo tiêu chuẩn, kỹ thuật, làm bằng nhựa tái chế không an toàn, sức khỏe theo đó sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, để đảm bảo an toàn sức khỏe, tinh thần cho trẻ trong dịp Tết Trung thu tới đây, bên cạnh việc các cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm soát chặt chẽ, xử lý các trường hợp vi phạm, các bậc phụ huynh tuyệt đối không mua cho trẻ các loại đồ chơi mang tính bạo lực, không có dấu hợp quy.
Theo Diễm Lệ (CAND Online)