Mê bánh vẽ, nhiều doanh nghiệp nhận trái đắng

17/10/2016 11:29:00

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam “tham bát bỏ mâm”, lóa mắt bởi lợi ích trước mắt như ham giá cao, quá tin tưởng vào đơn vị môi giới, bỏ qua tiểu tiết trong hợp đồng...

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam “tham bát bỏ mâm”, lóa mắt bởi lợi ích trước mắt như ham giá cao, quá tin tưởng vào đơn vị môi giới, bỏ qua tiểu tiết trong hợp đồng...
 
Hàng hóa xuất khẩu tập kết tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Khi phát hiện bị lừa, doanh nghiệp (DN) rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Không đòi được nợ, mất thêm tiền đi kiện

Vừa qua, hàng loạt DN xuất khẩu gỗ, trong đó có Cty TNHH Gia Hân (TPHCM) gửi đơn tố cáo ông Otto De Jager, Tổng Giám đốc Cty Global Home S.R.O (quốc tịch Cộng hòa Czech) quỵt tiền. Năm 2012, Global Home ký hợp đồng cung cấp đồ gỗ với Gia Hân. 

Số tiền đặt cọc ban đầu 10.000 USD. Ký hợp đồng xong, 2 – 5 nhân viên kiểm soát chất lượng (QC) của Global Home ở tại xưởng của Gia Hân cùng làm, kiểm tra và đóng hàng hóa. Tiền hàng được thanh toán theo hình thức trả trước 40%, gối lại 60% (thanh toán sau 37 ngày kể từ khi xuất hàng).

Khi số tiền hàng nợ gối nhau qua các đơn hàng quá lớn và nhiều lần yêu cầu nhưng không được thanh toán, Gia Hân đành tố cáo Global Home. Lúc này, Gia Hân mới phát hiện điều khoản bất lợi trong hợp đồng đã ký. Như việc chỉ định cơ quan tài phán là trung tâm trọng tài quốc tế tại Hong Kong, áp dụng luật Vương quốc Anh.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Cty Luật Hợp danh Thiên Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Gia Hân chỉ là một trong số rất nhiều DN Việt chưa hiểu khó khăn của việc giải quyết tranh chấp quốc tế. Riêng tiền thuê luật sư ở Hồng Kông từ 2.200 - 2.500USD/giờ. Chưa kể, bản thân chủ DN, người đại diện sẽ phải tốn chi phí, công sức đi lại.

“DN thiệt hại kép vì chưa đòi được nợ, phải rút thêm tiền túi thuê đơn vị tư vấn pháp lý. Thời gian có được phán quyết cần 3- 6 tháng, thậm chí cả năm. Có phán quyết của trọng tài lại gặp phải câu chuyện thực thi phán quyết đó. Lúc này, DN mất luôn cả niềm tin khi làm việc với đối tác nước ngoài. Đây là một hệ lụy lớn hơn nhiều so với mất hợp đồng”, Luật sư Truyền cho biết.

Trước đó, năm 2015, Thương vụ Việt Nam tại Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Bộ Công Thương liên tục tiếp nhận, xử lý nhiều trường hợp DN xuất khẩu Việt Nam cầu cứu vì bị lừa đảo. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là DN chuyên xuất khẩu gạo A.T (xin giấu tên) ký hợp đồng với khách hàng Arabian Distributor LLC (AD LLC) tại Dubai. Hình thức thanh toán thư tín dụng trả ngay (L/C), nhận hàng tại cảng Jebel Ali (Dubai).

Tháng 5/2015, A.T nhận thông báo thư tín dụng L/C trị giá 2,3 triệu USD từ đối tác phát đi từ ngân hàng Regnum Bank của Liên bang Nga. Yên tâm với thông báo này, một tháng sau, 63 container gạo của A.T lên tàu xuất đi với trị giá hơn 1 triệu USD. Đồng thời nhờ ngân hàng Việt Nam (đại diện cho người bán) gửi bộ chứng từ xuất khẩu đến ngân hàng Regnum Bank để đòi tiền. Cuối tháng 6/2015, hãng chuyển phát nhanh DHL cho biết, ngân hàng thanh toán Regnum Bank đã nhận được bộ chứng từ. Đợi chờ mãi không nhận được tiền, A.T tiếp tục gửi yêu cầu đến ngân hàng Regnum.

Lúc này, A.T té ngửa khi Regum thông báo họ không phát hành L/C cũng như không nhận chứng từ xuất khẩu. Trong khi đó, AD LLC đã hoàn thành lệnh yêu cầu hãng tàu giao hàng, sẵn sàng cuỗm số gạo trị giá gần 1 triệu USD. Nhận được cầu cứu của A.T, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đề nghị cảng Dubai Port World và hãng vận tải giữ lô hàng lại, mặc dù đã có lệnh giao hàng cho “người mua”.

“Thương vụ Đại sứ quán tiếp tục hỗ trợ A.T đàm phán với AD LLC (có địa chỉ đăng ký nhưng không hoạt động ở Dubai) để chuộc lại bộ chứng từ và đàm phán với hãng tàu và cảng để giảm chi phí lưu kho bãi, tiền phạt.... Thương vụ ĐSQ Việt Nam tại UAE giới thiệu hãng luật tại Dubai hỗ trợ pháp lý cho A.T…”, đại diện Bộ Công Thương cho biết về quá trình xử lý vụ việc.

Cuối cùng, 63 container gạo quay trở về Việt Nam nhưng A.T mất số tiền lớn cho chi phí vận chuyển, gửi hàng ở cảng. Đây chỉ là 1 trong 8 vụ việc mà Thương vụ ĐSQ Việt Nam tại UAE đã ngăn chặn, hạn chế mất mát cho DN trong với số tiền gần 4 triệu USD.

Bị ru ngủ bởi những lời hứa hẹn

Bộ Công Thương cho biết, đã nhiều lần cảnh báo, lưu ý đối với DN xuất khẩu Việt Nam về những hình thức lừa đảo, gian lận. Nhưng do chủ quan, tâm lý hám lợi, nghiệp vụ ngoại thương hạn chế nên nhiều DN bị lừa, thiệt hại nặng trong quá trình giao thương.

Trong vụ việc của DN xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương chỉ ra hàng loạt sai lầm mà DN Việt đang mắc phải: DN ham lợi nhuận lớn (lên đến gần 50%) nên ký ngay đơn hàng đầu tiên trị giá lớn với khách hàng giao dịch lần đầu. DN cũng không kiểm tra kỹ về ngân hàng phát hành L/C, cho khách hàng mở L/C tại một ngân hàng nhỏ không có trong danh sách ngân hàng tín nhiệm quốc tế; hàng hóa chuyển đến địa chỉ tại một nước khác. Cùng đó là nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu non kém, bị ru ngủ bởi những lời hứa hẹn, cam kết của bên mua...

“Hiện giá cả hầu hết hàng hóa đều cập nhật trên trang web quốc tế. Với đơn hỏi mua hàng trả giá cao quá (hoặc đơn bán hàng chào giá thấp quá so với mặt bằng), DN hết sức lưu ý, kiểm tra kỹ độ tin cậy để tránh bị lừa”, Bộ Công Thương khuyến cáo.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, một trong những điểm yếu của DN xuất khẩu Việt là thường không tập trung vào những điều khoản rất nhỏ trong hợp đồng. Xảy ra chuyện, DN thua ngay từ khi ký hợp đồng nên không dám khởi kiện hay dùng những biện pháp pháp lý khác.

“Giá cả hầu hết hàng hóa đều cập nhật trên trang web quốc tế. Có đơn hỏi mua hàng trả giá cao quá (hoặc đơn bán hàng chào giá thấp quá so với mặt bằng), DN hết sức lưu ý, kiểm tra kỹ độ tin cậy để tránh bị lừa. DN phải tiến hành sàng lọc, xác minh rõ đối tác. Với khách hàng lần đầu giao dịch, DN nên đề nghị cung cấp giấy phép kinh doanh và các giấy tờ liên quan”. 

Bộ Công Thương khuyến cáo DN xuất khẩu

Theo Quỳnh Nga (Tiền Phong)