Việc sản phẩm máy giặt của Samsung, LG sản xuất tại Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) tại Mỹ đang đặt ra một vấn đề: Liệu xuất khẩu của Việt Nam có bị ảnh hưởng và có thể bị ảnh hưởng như thế nào?
Cáo buộc từ đối thủ cạnh tranh
Quyết định điều tra về PVTM đối với sản phẩm máy giặt của Samsung, LG nhập khẩu từ Việt Nam được Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ đưa ra từ đơn kiện của tập đoàn Whirlpool (Mỹ). Theo số liệu hãng này đưa ra, từ năm 2012-2016 lượng máy giặt nhập khẩu vào Mỹ tăng gấp đôi từ 1,6 triệu lên 3,21 triệu chiếc mỗi năm khiến cho ngành sản xuất máy giặt tại Mỹ sụt giảm doanh số và lợi nhuận, dẫn đến thất nghiệp tăng.
Nhưng có lẽ, yếu tố lớn nhất thúc đẩy Whirlpool đâm đơn kiện chính là sự thất thế của hãng này trước Samsung và LG. Số liệu nghiên cứu thị trường đã chỉ ra rằng, trong vòng một năm qua Whirlpool liên tục giảm mạnh doanh số, và từ ngôi đầu thị phần của hãng này đã rơi từ 19,2% xuống còn 17,3% tính đến hết quí I/2017. Bị Samsung giật ngôi đầu với thị phần tăng từ 16,2% lên 19,7%, song song đó LG cũng trỗi dậy mạnh mẽ lên vị trí thứ ba với thị phần đạt 16,8%. Và Whirlpool, trong một động thái quen thuộc là khởi kiện PVTM cáo buộc Samsung và LG bán “phá giá hàng loạt” sản phẩm máy giặt, đồng thời lẩn tránh thuế mà Mỹ đã áp đối với Trung Quốc bằng cách chuyển dịch nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Thái Lan và Việt Nam.
Cần biết rằng, mức thuế bình thường mà Mỹ áp cho máy giặt nhập khẩu là 1% và các bộ phận đi kèm là 2%. Tuy nhiên, trường hợp Trung Quốc và Hàn Quốc sau khi bị điều tra PVTM tại Mỹ và bị áp mức thuế rất cao, dao động từ 32,1%-52,5%.
Tác động từ nhỏ đến lớn…
Một thông báo từ LG tại Mỹ hé lộ rằng vụ kiện của Whirlpool là “nỗ lực lần thứ ba” nhằm sử dụng các qui định của chính phủ hạn chế việc nhập khẩu máy giặt. Nếu Whirlpool thắng trong vụ kiện này, máy giặt của Samsung, LG từ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đối mặt với khả năng bị áp hạn ngạch.
Cần biết rằng khu phức hợp của LG tại KCN Tràng Duệ (Hải Phòng) với tổng vốn đầu tư 1,5 tỉ USD trong vòng 10 năm, trong số ba dòng sản phẩm chủ lực được sản xuất tại đây hiện có máy giặt, với công suất hơn 1,5 triệu sản phẩm/năm, và tỉ trọng xuất khẩu đến 70%. Trong khi đó, tổ hợp nhà máy SEHC của Samsung tại Khu công nghệ cao TPHCM sản xuất các sản phẩm bao gồm tivi, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt, máy hút bụi với công suất 1,1 triệu sản phẩm/tháng. Sản phẩm điện gia dụng từ SEHC xuất đi 75 quốc gia trong đó có thị trường Mỹ. Năm 2016, Samsung Việt Nam đạt doanh thu 46,3 tỉ USD trong khi đạt kim ngạch xuất khẩu 39,9 tỉ USD - chiếm tỉ trọng hơn 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2017, Samsung Việt Nam đặt mục tiêu đẩy kim ngạch xuất khẩu lên 50 tỉ USD. Qua những con số kể trên có thể thấy, vụ kiện của Whirlpool nếu kết cục có phán quyết bất lợi cho Samsung, LG thì nhìn chung cũng không tác động quá lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của nội bộ Samsung, LG hay bộ phận kinh doanh ngành hàng máy giặt của Samsung, LG tại Mỹ, thì phán quyết bất lợi – được cho rằng công bố vào cuối năm nay - sẽ gây ảnh hưởng lớn. Bởi khi đó, mức thuế cao khiến cho sản phẩm máy giặt Samsung, LG đến từ Việt Nam đội giá bán rất khó cạnh tranh; hoặc bị áp hạn ngạch sẽ giới hạn khả năng tăng trưởng.
Song song đó theo những số liệu thị trường đề cập ở trên, thị phần của Top 3 ngành hàng máy giặt tại Mỹ hiện so kè chứ không quá cách biệt, vì thế những bất lợi lớn có thể làm thay đổi cục diện trong Top 3 theo hướng rất có lợi cho Whirlpool và theo đó những thương hiệu máy giặt khác cũng có thể được hưởng lợi. Song điều đáng lo ngại hơn nữa là, từ vụ kiện của Whirlpool đối với sản phẩm máy giặt nếu thành công, có thể dẫn đến những vụ kiện đối với các ngành hàng khác trong tương lai, bởi Samsung và LG tại Việt Nam đâu chỉ sản xuất mỗi máy giặt được xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Theo Thế Lâm (Lao Động)