Những cách khóa thẻ ATM gắn chip trong trường hợp bị mất thẻ
Theo lộ trình đề ra tại Thông tư 41/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, sau ngày 31/12/2021, các ngân hàng sẽ không phát hành các loại thẻ ATM từ mà thay vào đó là thẻ gắn chip nhằm nâng tính bảo mật, an toàn cho các chủ thẻ.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thẻ ATM gắn chip, sẽ có những khách hàng không may bị mất thẻ. Khi bị mất thẻ ATM gắn chip, khách hàng cần biết cách khóa thẻ nhanh chóng để tránh bị kẻ gian đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng của mình.
Dưới đây là 4 cách khóa thẻ nếu khách hàng không may bị mất thẻ ATM gắn chip:
- Gọi điện tới tổng đài: Khi có nhu cầu khóa tài khoản ngân hàng, cách đơn giản nhất là khách hàng hãy gọi điện tới tổng đài. Các ngân hàng đều có số hotline hỗ trợ khách hàng khi gặp sự cố trong giao dịch. Tổng đài viên sẽ hỗ trợ chủ thẻ khóa tài khoản nhanh chóng để phòng các giao dịch không mong muốn.
- Thực hiện tại quầy giao dịch ngân hàng: Khách hàng có thể đến trực tiếp trụ sở ngân hàng/chi nhánh hoặc phòng giao dịch của ngân hàng đang sử dụng để thực hiện việc khóa thẻ. Tuy nhiên, nhược điểm của cách này sẽ tốn thời gian nếu quầy giao dịch đông khách hàng. Trong trường hợp bị mất vào buổi đêm, khách cần phải đợi đến giờ làm việc của ngân hàng mới được hỗ trợ.
- Sử dụng Internet Banking/Mobile Banking: Khách hàng cần đăng nhập tài khoản vào ứng dụng của ngân hàng đang sử dụng và chọn chức năng khóa thẻ là xong. Khi có nhu cầu, khách hàng cũng có thể mở lại thẻ một cách dễ dàng.
- Thực hiện tại cây ATM:Một lựa chọn khác là thực hiện tại các cây ATM thông qua hình thức quét mã QR Code. Một số ngân hàng hiện nay đã tích hợp tính năng đóng, khóa thẻ ở các cây ATM. Khách hàng có thể thực hiện vào các ngày trong tuần, bất kể thời gian nào.
Sau khi khóa thẻ thành công, khách hàng cần mang chứng minh nhân dân (CMND)/căn cước công dân (CCCD)/Hộ chiếu đến trụ sở ngân hàng hoặc phòng giao dịch, chi nhánh của ngân hàng để được hướng dẫn cấp lại thẻ mới.
Thủ tục làm lại thẻ ATM khá đơn giản, khách hàng chỉ cần hoàn thiện mẫu giấy xin cấp lại thẻ và nộp phí làm lại thẻ khoảng 50.000 đồng (tùy từng ngân hàng). Sau khi hoàn thành phần thủ tục, nhân viên ngân hàng sẽ gửi cho bạn một giấy hẹn và thường thì sau một tuần bạn sẽ nhận được thẻ mới.
Bị mất thẻ ATM gắn chip có rút được tiền không?
Trong thời gian chờ cấp thẻ ATM gắn chip mới, khách hàng vẫn có thể rút tiền mà không cần thẻ ATM gắn chip. Khách hàng chỉ cần mang theo CMND/CCCD gắn chip tới các phòng giao dịch hay chi nhánh ngân hàng để làm thủ tục rút tiền mặt. Chỉ cần chữ ký của khách hàng đúng với chữ ký khi đăng ký làm thẻ là có thể rút được tiền.
Một số ngân hàng như: Vietcombank, TechcomBank, TPBank, VPBank, VietinBank, BIDV… có hỗ trợ khách hàng rút tiền qua điện thoại mà không cần sử dụng thẻ ATM. Để thực hiện được giao dịch rút tiền không cần thẻ, bạn tải ứng dụng ngân hàng về máy. Thông qua hình thức quét mã QR Code, khách hàng tới các cây ATM, thực hiện quét mã QR và rút tiền như bình thường.
Người khác cầm thẻ ATM gắn chip có thể thanh toán được không?
Tùy theo ngân hàng và hạn mức thanh toán mà khi thanh toán người dùng thẻ ATM gắn chip không cần nhập mật khẩu.
Chẳng hạn, Ngân hàng Vietcombank khi khách hàng thanh toán dưới 1 triệu đồng sẽ cho chạm thanh toán không cần mật khẩu.
Vì vậy, khi bị mất thẻ ATM, bạn phải báo mất ngay với ngân hàng và nhờ nhân viên ngân hàng khóa thẻ để tránh bị kẻ gian thanh toán trộm tiền.
Mở thẻ ngân hàng online, không cần ra ngân hàng
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Thông tư 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng. Theo đó, từ 1/1/2022, tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử.
Thông tư 17/2021 cũng yêu cầu tổ chức phát hành thẻ phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa khi phát hành thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp theo lộ trình chuyển đổi quy định tại thông tư này.
Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)