Gặp khó khăn liên tiếp, thị trường mặt bằng bán lẻ đối diện với tình trạng dư cung, trong đó “cuộc chiến” khốc liệt nhất đang diễn ra dưới chân các tổ hợp chung cư.
Ngay tại trung tâm thành phố, không hiếm trung tâm thương mại (TTTM) lớn bị đóng cửa từ nhiều năm nay, trong khi nhiều TTTM khác hoạt động không hiệu quả, đơn vị quản lý phải tìm đủ cách để giữ chân nhà bán lẻ.
Tại quận Cầu Giấy, TTTM Parkson Landmark mới đây đã phải đóng cửa sau một thời gian dài hoạt động không hiệu quả. Cách đó không xa, TTTM Grand Plaza có diện tích sàn lên đến 15.000 m2 cũng đã đóng cửa vài năm nay nhưng vẫn chưa có dấu hiệu mở cửa trở lại.
Ở các quận nội thành, hàng loạt TTTM lớn như TTTM Tràng Tiền Plaza, Lotte Đào Tấn, Parkson Thái Hà…, dù có tỷ lệ trống thấp, nhưng vẫn rất khó khăn vì vắng khách. Để duy trì hoạt động bình thường của các TTTM này và giữ chân các chủ gian hàng, đơn vị quản lý và chủ đầu tư đang phải gồng mình, chịu nhiều thiệt hại.
Hoạt động của các TTTM đã gặp nhiều khó khăn, diện tích mặt bằng bán lẻ dưới chân các tổ hợp chung cư hiện nay còn khó khăn hơn, với tỷ lệ trống rất lớn.
Hiện tại, chưa có báo cáo cụ thể về diện tích bán lẻ dưới chân các tổ hợp tòa nhà và chân các chung cư cao tầng từ các đơn vị nghiên cứu thị trường, nhưng theo đánh giá từ thị trường, nguồn cung của loại hình mặt bằng bán lẻ này chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu nguồn cung mặt bằng bán lẻ.
Tuy nhiên, việc quản lý, cho thuê phần diện tích mặt bằng này phần lớn đều do chủ đầu tư tiến hành mà không thông qua đơn vị quản lý chuyên nghiệp nào. Thực trạng này dẫn đến tỷ lệ trống diện tích bán lẻ dưới chân các tổ hợp chung cư hiện nay rất cao.
Dù đã hoàn thiện, nhưng phần lớn đế thương mại Chung cư C14 đường Lê Văn Lương vẫn trống. |
Tỷ lệ trống cao, nhưng thị trường Hà Nội tiếp tục đón nhận nguồn cung lớn từ rất nhiều dự án chung cư đang và sẽ được bàn giao trong thời gian tới đây. Việc chủ đầu tư không có chuyên môn, không thể cho thuê phần lớn diện tích mặt bằng bán lẻ dưới chân các tòa nhà, đã tác động tiêu cực, khiến nhiều dự án không thể thu hút cư dân chuyển về sinh sống.
Để lấp đầy diện tích mặt bằng bán lẻ chân đế các tòa nhà, không ít chủ đầu tư thời gian qua đã phải lập ra công ty con để khai thác phần diện tích bán lẻ này. Chẳng hạn, Tập đoàn Mường Thanh có hệ thống Mường Thanh Mart; Công ty Bắc Hà cũng có hệ thống Bhome khai thác mặt bằng bán lẻ dưới chân các tòa chung cư do doanh nghiệp làm chủ đầu tư.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp tiến hành “xé lẻ” diện tích mặt bằng bán lẻ dưới chân các chung cư làm các ki ốt cho các tiểu thương thuê có thời hạn, biến đế nhiều tòa chung cư thành các khu chợ nhếch nhác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, như Vinaconex 3 tại Dự án Trung Văn, Cienco 5 Land tại khu chung cư Dự án Thanh Hà…
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, nhiều chủ đầu tư dự án cho biết, việc xé lẻ diện tích thương mại cho thuê ki ốt là chuyện cực chẳng đã. Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp đủ can đảm thực hiện việc này hiện nay cũng không nhiều.