Mập mờ xử phạt nước mắm có arsen

02/03/2017 10:15:00

Sau vụ “lùm xùm” về chỉ số arsen trong nước mắm, những tưởng vấn đề này đã được thông suốt nhưng mới đây, một cơ sở tại Bình Dương lại bị công an xử phạt về arsen trong nước mắm cá cơm.

Sau vụ “lùm xùm” về chỉ số arsen trong nước mắm, những tưởng vấn đề này đã được thông suốt nhưng mới đây, một cơ sở tại Bình Dương lại bị công an xử phạt về arsen trong nước mắm cá cơm.

Một sản phẩm nước mắm của cơ sở TTP - Ảnh: Bá Sơn

Theo hồ sơ thu thập của Tuổi Trẻ, việc xử phạt được Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) tham mưu để Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định đối với cơ sở TTP tại xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, nhưng đang bị cơ sở này khiếu nại.

Xử phạt trên arsen tổng

Cuối tháng 10-2016, PC49 phối hợp với một số cơ quan liên quan kiểm tra cơ sở gia công nước mắm của TTP. Qua đó, công an lập biên bản cơ sở này do có một số vi phạm về hệ thống xử lý nước thải, cam kết bảo vệ môi trường...

Tuy nhiên, điều gây tranh cãi nhất là việc lập biên bản về chỉ tiêu arsen trong hai sản phẩm nước mắm cá cơm và mắm tôm.

Theo trình bày của TTP, cơ sở ký hợp đồng gia công với một công ty có trụ sở tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Nguồn gốc các loại nước mắm là do công ty nói trên nhập từ nước mắm truyền thống tại miền Trung và thuê TTP gia công, đóng gói.

Theo kết quả được PC49 gửi đi xét nghiệm cho thấy đối với nước mắm cá cơm có độ đạm là 10,8g/l, chỉ tiêu arsen là 1,17 mg/l (vượt so với quy chuẩn là 1 mg/l). Đối với sản phẩm mắm tôm nguyên chất, chỉ tiêu arsen là 1,31 mg/kg (vượt so với quy chuẩn là 1 mg/kg).

Từ kết quả trên, PC49 tham mưu cho Công an tỉnh Bình Dương xử phạt cơ sở TTP về hành vi “sản xuất thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật”. Đồng thời tịch thu lô hàng gồm 480 chai nước mắm, 1.200 chai mắm tôm để tiêu hủy.

Cách xử lý này đã vấp phải sự phản ứng của doanh nghiệp vì họ cho rằng chỉ có arsen vô cơ mới gây nguy hại, còn arsen hữu cơ, vốn có sẵn trong nước mắm làm từ động vật, thì không nguy hại.

Cơ sở này đề nghị làm rõ kết quả thử nghiệm nói trên là arsen vô cơ hay arsen tổng (chưa phân biệt hữu cơ hay vô cơ), nhưng công an không xét nghiệm lại mà vẫn ra quyết định xử phạt.

Dựa trên arsen tổng là “chưa chắc chắn”

Theo tìm hiểu, các mẫu xét nghiệm được PC49 Bình Dương gửi tới Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng - trụ sở tại Khu công nghệ cao, quận 9, TP.HCM - để xét nghiệm.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lý Hoàng Hải - tổng giám đốc Eurofins Sắc Ký Hải Đăng - cho biết hai mẫu xét nghiệm nước mắm và mắm tôm của cơ sở TTP là arsen tổng, không phải arsen vô cơ. Ông Hải cho biết khi trả kết quả thì đơn vị kiểm nghiệm có nói rõ đây là arsen tổng.

“Còn việc làm rõ đây là arsen hữu cơ hay vô cơ là quyền và trách nhiệm của khách hàng” - ông Hải nói.

Ông Hải còn nói trước khi có vụ “lùm xùm” về công bố kết quả khảo sát nước mắm của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas), hầu hết phòng thí nghiệm chỉ xét nghiệm arsen tổng.

Sau vụ “lùm xùm” đó, khi khách hàng có yêu cầu, các phòng thí nghiệm hoàn toàn có thể làm rõ arsen hữu cơ hay vô cơ trong các sản phẩm.

Với trường hợp sản phẩm của TTP, không hiểu sao Công an tỉnh Bình Dương không làm rõ có phải arsen vô cơ hay không mà vẫn ra quyết định xử phạt.

Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết sau “sự cố nước mắm có arsen”, chi cục không xử phạt arsen trong nước mắm.

Trong khi đó, bà Lưu Đình Lệ Thúy - phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bình Dương - cho rằng nếu chỉ dựa trên kết quả xét nghiệm arsen tổng để nói nước mắm vượt quy chuẩn là “chưa chắc chắn”.

Cần phải xét nghiệm rõ hàm lượng arsen vô cơ mới có đủ cơ sở để xử phạt.

Lao đao

Ông L.T.Tr. - chủ cơ sở TTP - cho biết việc áp dụng arsen tổng để xử phạt và niêm phong, yêu cầu tiêu hủy lô hàng đã gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ thiếu hàng giao cho khách, mà uy tín còn bị giảm sút nghiêm trọng.

Thời gian từ khi kiểm tra vào tháng 10-2016 tới nay đã gần nửa năm, trong khi nước mắm và mắm tôm có thời hạn sử dụng. Việc neo giữ quá lâu, trong trường hợp trả hàng thì cũng đã hết hoặc gần hết hạn sử dụng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã nhận được khiếu nại của doanh nghiệp và đang tham mưu để ban giám đốc Công an tỉnh giải quyết khiếu nại theo quy định.

 

Có khiếu nại nhưng không thử nghiệm lại

Theo quy định, đối với các mẫu thử nghiệm cần được lấy 3 phần như nhau và được niêm phong (một phần gửi đi cơ sở thử nghiệm, một phần cơ quan chức năng giữ, một phần chủ cơ sở giữ).

Việc lấy thêm các mẫu dự phòng để trong trường hợp doanh nghiệp không đồng ý với kết quả thử nghiệm lần 1 thì có thể gửi các mẫu lưu để thử nghiệm lại cho thuyết phục.

Tuy nhiên, đại diện cơ sở TTP cho biết dù họ có khiếu nại nhưng PC49 Bình Dương vẫn không thử nghiệm lại mẫu, mà vẫn ra quyết định xử phạt.


Theo Bá Sơn (Tuổi Trẻ)

Nổi bật