Sở GDCK Hà Nội vừa thông báo kết quả đăng ký mua cổ phần CTCP Du lịch Kim Liên do Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu sở hữu cho biết, có 3 nhà đầu tư đăng ký mua 1.870.800 cổ phần Du lịch Kim Liên, chiếm gần trọn số cổ phần mang ra đấu giá (1.870.970 cổ phần). Trong số đó có 1 tổ chức đăng ký mua 765.300 cổ phần, còn lại 2 cá nhân đăng ký mua 1.105.500 cổ phần.
Với mức giá khởi điểm lên tới 305.000 đồng/cổ phần, 3 nhà đầu tư này phải bỏ ra tối thiểu 570 tỷ đồng. Đây là mức giá cao hơn nhiều so với mức giá không tưởng mà Thaigroup của ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) đưa ra để mua trọn gần 3,7 triệu cổ phần khách sạn này hồi cuối 2015.
Trong phiên đấu giá ngày 22/12/2015, Bầu Thụy đã mạnh tay chi 1.000 tỷ và vượt qua 36 nhà đầu tư khác (19 nhà đầu tư tổ chức và 17 nhà đầu tư cá nhân) để mua trọn lô 3.647.433 cổ phần - chiếm tỷ lệ 52,4% vốn điều lệ CTCP Du lịch Kim Liên với mức giá đưa ra lên tới 274.200 đồng/CP - gấp hơn 9 lần so với mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra (30.600 đồng/cp).
Ngoài SCIC, CTCP Du lịch Kim Liên còn có các cổ đông lớn như Ngân hàng GPBank sở hữu 21,6%, Công ty Tài chính bưu điện PTFinance 6,7%, GP Invest chiếm 6,6%.
Như vậy, đây là phiên đấu giá thoái vốn tiếp theo tại Khách sạn Kim Liên. Lần này, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu đăng ký bán toàn bộ sổ cổ phần đang nắm giữ.
Với tỷ lệ sở hữu như hiện tại, nhiều khả năng Tập đoàn Thaigroup của Bầu Thụy hoặc các doanh nghiệp liên quan tham gia vào thương vụ ngàn tỷ trên.
Khách sạn Kim Liên có 1 vị trí đắc địa tại Hà Nội. Lợi thế lớn nhất của Du lịch Kim Liên là mảnh đất 3,5ha giữa Thủ đô với 2 mặt tiền trên 2 tuyến phố sầm uất là Đào Duy Anh và Phạm Ngọc Thạch, với 9 toà nhà, 437 phòng và 5 nhà hàng.
Mặc dù có vị trí đắc địa nhưng hoạt động của KS Kim Liên không như mong đợi, ngay cả khi về tay Bầu Thụy. Khách sạn này đã báo lỗ ngay trong năm 2015 với chi phí tăng vọt so với năm trước đó.
Cuộc đấu giá cổ phần KS Kim Liên lần này không gay cấn bằng lần trước. Tuy nhiên, nó cho thấy sức hút của khu đất vàng này vẫn còn lớn.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), các cổ phiếu trụ cột tiếp tục chịu áp lực chốt lời lớn. Nhiều cổ phiếu lớn như Vinamilk, Sabeco,... tăng điểm cũng không giúp được thị trường tránh khỏi một cú giảm mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/4, Vn-Index mất gần 36 điểm, về ngưỡng hơn 1.044 điểm. HNX-Index mất 6,19 điểm về ngưỡng 120 điểm.
Theo V. Hà (VietNamNet)