Mùa mận tại Việt Nam đã về cuối vụ, giá mận cũng theo đó mà tăng lên. Tuy nhiên, thời điểm này là lúc mận Trung Quốc ồ ạt tràn vào, gắn mác "mận Việt Nam" bán khắp các tuyến đường.
Theo đó, giá mận cuối vụ đang dao động khoảng 50.000-80.000 đồng/kg nhưng lượng bán cũng ít hơn chứ không còn dồi dào như chính vụ. Và đây đều là loại mận tam hoa, mận máu và mận hậu được trồng chủ yếu ở vùng Mộc Châu (Sơn La), Bắc Hà (Lào Cai).
Mận tam hoa, mận máu khi chín bên ngoài nhìn vỏ mận màu đỏ kèm những nốt lấm tấm màu phấn trắng. Cắn đôi quả mận ra sẽ thấy bên trong có màu tím đỏ thẫm. Ăn giòn, quả chín có vị ngọt pha lẫn với chua mát, vỏ hơi chua đắng.
Mận Trung Quốc gắn mác mận Việt Nam bán nhiều trên thị trường hiện nay. |
Tuy nhiên, thời điểm này mận Trung Quốc lại ồ ạt tràn sang, được bày bán rất nhiều dưới mác “mận Việt Nam” với giá bán tương đương nhưng lại ít người biết. Mận Trung Quốc xuất hiện rất nhiều từ chợ đầu mối đến các quán hàng rong.
Đầu tiên phải kể đến loại mận đen tím bầm, quả to như trứng gà, trứng vịt, bên trong thịt mận có màu vàng, mọng nước, ăn mềm có vị ngọt đậm. Ở Việt Nam cũng có một loại mận màu tím bên trong màu vàng nhưng quả nhỏ như mận cơm vị rất chua và đắng, loại mận này rất ít khi thương lái thu mua vì không lãi nhiều.
Theo số liệu từ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII (Lạng Sơn) và vùng VIII (Lào Cai), tính từ đầu mùa mận đến cuối mùa mận hàng năm, mận Trung Quốc được nhập về Việt Nam với số lượng 4.206 tấn mận các loại. Trong đó, mận Trung Quốc nhập về qua cửa khẩu Lào Cai là chủ yếu, với số lượng khoảng 3.668 tấn.
Theo các chủ hàng buôn bán trái cây lâu năm thì không khó để phân biệt giữa mận Trung Quốc và mận Việt Nam. Thường thì mận Việt quả sẽ nhỏ hơn mận Trung Quốc. Mận Việt có màu tím đến tím đậm khi chín, trên bề mặt quả vẫn còn lớp phấn trắng. Trong khi đó, mận Trung Quốc thì có màu vàng mờ, nhiều quả cũng có màu tím nhạt pha lẫn màu xanh nhưng không thể có màu tím đậm và đều như mận Việt được.
Ngoài ra, mận Trung Quốc thường có lớp vỏ trơn bóng, sạch sẽ, không có lớp phấn trắng bắt ở bề ngoài như mận Việt. Ngoài ra, mận Việt thường sẽ rất tươi và cứng, nhiều quả còn nguyên cuống tươi và lá, bảo quản được khá lâu và mận không bị mất đi độ ngọt.
Mận Việt Nam khi ăn thường có vị chua, thanh và giòn khi chín có vị ngọt nhưng vẫn pha lẫn vị chua dịu. Mận Trung Quốc ăn sẽ ngọt hơn, ruột mềm và dễ bị nhũn, nhất là khi bảo quản lâu. Đặc biệt, giá mận Trung Quốc bao giờ cũng rẻ hơn mận Việt Nam, thường có giá 30.000 - 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều người bán trái cây thường giới thiệu đây là mận Sa Pa, Lào Cai nhưng thực sự mận Sa Pa quả nhỏ hơn, màu tím, vị ngọt hơn và lượng cũng không dồi dào.
Không chỉ mận Trung Quốc tràn sang mà tại một số đô thị lớn như Hà Nội, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế đã tìm đến mận đỏ, mận đen Mỹ với giá không hề rẻ, dao động từ 400.000 - 600.000 đồng/kg.
Chị Hà Thúy Quỳnh ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội cho biết chị thích vị chua chua rôn rốt của mận, nhưng mận tam hoa của Việt Nam sau khi ăn vẫn có vị đắng ở đầu lưỡi, và đặc biệt ăn nhiều bị nóng và nổi mụn nên chị đã tìm đến mận đen Mỹ với giá 380.000 đồng/kg. Đáng nói, loại mận này của Mỹ ăn thoải mái mà không thấy nóng hay nổi mụn, đặc biệt, quả mận ngọt lịm, róc hạt nên từ người lớn đến trẻ em đều thích.
Chị Phạm Thúy Thanh, chủ một cửa hàng trái cây nhập khẩu trên phố Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, mùa thu hoạch mận Mỹ cũng trùng với mùa mận ở Việt Nam. Cứ bắt đầu vào thời điểm mận tam hoa thu hoạch rộ thì mận Mỹ cũng được thu hoạch. Tuy nhiên, nếu so về chất lượng thì mận Mỹ dễ ăn hơn vì chúng có vị ngọt, ăn cực giòn. Song, giá của các loại mận Mỹ cũng đắt gấp 5-8 lần giá mận tam hoa ở Việt Nam.
Theo N.Y (CAND Online)