Theo quan niệm dân gian của người Việt, Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ. Hàng năm, vào ngày này, người dân trên khắp cả nước lại tất bật chuẩn bị những mâm lễ cúng, thắp hương tạ ơn trời đất đã ban cho mùa màng bội thu, đồng thời bày tỏ mong ước sâu bọ không phát triển để cây cối đơm hoa, kết trái.
Theo truyền thống, mâm cúng dâng lên lễ gia tiên vào ngày Tết Đoan Ngọ gồm các loại nếp cẩm, nếp cái hoa vàng, trái cây, bánh gio, bánh nếp, trầu cau hay hoa tươi (như hoa sen, hoa hoàng lan, hoa huệ), hương trầm, vàng mã,... mà còn được trang trí đẹp mắt, thu hút.
Tùy số lượng nguyên liệu và cách trang trí, kích thước mà mỗi mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ cũng có giá thành khác nhau, dao động từ vài trăm nghìn đồng đến cả vài triệu đồng.
Tất bật chuẩn bị hàng trăm mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ để trả đơn cho khách, Dân Việt dẫn lời chị Bùi Băng Giang, chủ cửa hàng trên đường Bạch Đằng, phường Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, mâm cúng “giết sâu bọ” của cửa hàng chị có giá từ 320 nghìn đồng đến 1,7 triệu đồng, tuỳ nhu cầu của khách.
Cụ thể, mẹt hoa lễ có giá 320 nghìn đồng sẽ gồm 3 bông sen quan âm gấp cánh nghệ thuật, 15 bông hoa ngọc lan, 10 bông hoa hoàng lan, 10 bông hoa bạch thiên hương hoặc cúc mai trắng, 3 lá trầu, 2 nhành hoa cau, 2-3 bông mẫu đơn sắp trong mẹt tre cao cấp 20cm.
Mẹt hoa lễ có giá 520 nghìn đồng sẽ bao gồm 1 mẹt mận hậu size VIP, 1 cặp cơm rượu nếp, 2 bông sen quan âm trắng và hồng gấp cánh nghệ thuật, tất cả sắp trong mẹt tre cao cấp 30cm và một mẹt hoa lễ Đoan Ngọ gồm 3 bông sen quan âm gấp cánh nghệ thuật, 15 bông hoa ngọc lan, 10 bông hoa hoàng lan, 10 bông hoa bạch thiên hương hoặc cúc mai trắng, 3 lá trầu, 2 nhành hoa cau, 2-3 bông mẫu đơn sắp trong mẹt tre cao cấp 20cm.
Đặc biệt nhất đó là mâm lễ Đoan Ngọ đặc biệt có giá 1,7 triệu đồng, bao gồm 2 cơm rượu nếp, 1 set mận hậu VIP, 1 set chôm chôm, 13 bông sen quan âm gấp cánh nghệ thuật, 30 bông hoàng lan, 3 cành hoa huệ, 7 cành hoa cau, 100g hoa nhài, 3 quả phật thủ sắp trong mẹt tre cao cấp 45cm.
“Tính đến hôm nay, bên mình đã nhận được hơn 100 đơn đặt hàng của khách. Dự kiến mình chỉ nhận khoảng 200 đơn đặt hàng vì làm mâm lễ cần thiết kế cầu kì, tỉ mỉ cùng với sự kết hợp của các loại hoa được lựa chọn rất kỹ lưỡng, tươi, đẹp và có hương thơm”, chị Giang cho biết.
Để có đủ đơn trả hàng cho khách đúng hẹn, vợ chồng chị Giang cùng 6 nhân viên khác phải dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị.
Chị Vũ Thủy (ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết trên Dân Trí, Tết Đoan Ngọ năm nay, chị nhận đặt "gói gọn" trong 12 mâm lễ để đảm bảo có đủ thời gian nấu nướng, bày biện và thiết kế mâm cúng chất lượng, đẹp mắt cho khách hàng. Với những mâm lễ chuẩn bị sẵn, bài trí công phu, khách mua về chỉ việc bày lên bàn thờ thắp hương.
Theo chị Thủy, khách phải đặt hàng trước vài ngày để chị kịp chuẩn bị số lượng hoa, bánh, trái cây tươi nhất, đảm bảo chất lượng tốt nhất. Khách mua đồ cúng trong ngày này không chỉ quan tâm chất lượng mà còn chú trọng về hình thức.
"So với mọi năm, giá mâm lễ cúng ngày giết sâu bọ không có sự chênh lệch đáng kể. Mâm đơn giản nhất thường có hoa tươi, cơm rượu nếp và một loại quả như mận hoặc vải. Nếu khách chọn các loại hoa thông dụng như hoa hồng, hoa cúc thì giá rẻ, khoảng 50.000/bó chục bông hay cơm rượu nếp 30.000 đồng là được một bát. Hiện vải cũng có giá 30.000 - 40.000 đồng/kg", chị nói.
Mâm lễ có chi phí thấp nhất mà chị Thủy nhận làm là 110.000 đồng, bao gồm 5 bông hoa, 30.000 đồng rượu nếp, 30.000 đồng mận hoặc vải và 20.000 đồng/5 chiếc bánh gio.
Với mâm lễ đầy đặn hơn, chi phí khoảng 500.000 đồng, bao gồm một bẹ cau giá 80.000 - 85.000 đồng hoặc sen quan âm, hoa ngọc lan, hoa hoàng lan và xôi cốm 50.000 đồng, kèm con gà luộc, trái cây (mận hoặc vải), cơm rượu nếp xếp lẫn hình âm dương. Riêng món gà cúng lễ, chị chọn loại gà Hòa Bình có màu vàng đẹp mắt, thịt săn chắc, cân nặng từ 2,2 - 2,4kg. Gà luộc sẵn, buộc lễ cẩn thận có giá 400.000 đồng/con.
"Vì chỉ có một mình làm nên tôi phải dậy sớm, chuẩn bị nguyên liệu kỹ càng rồi mới chế biến, đảm bảo cho khách có mâm lễ cúng tươm tất và trọn vẹn nhất. Khách đặt và nhận mâm lễ đông nhất vào chiều mùng 4 và sáng mùng 5. Sau 2 năm ảnh hưởng từ dịch Covid-19, mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ không chỉ là sự tạ ơn trời đất sau mùa màng bội thu mà còn thể hiện mong muốn cầu bình an, khỏe mạnh của mọi người dân", chị Thủy bày tỏ.
Chia sẻ với VietNamNet, chị Phạm Thu Gian, tiểu thương bán trái cây online tại Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội), cũng làm mâm lễ bán để cúng Tết Đoan ngọ. Nhưng thay vì làm nhiều mâm khác nhau như năm ngoái, năm nay chị chỉ làm một mẫu duy nhất với giá 270.000 đồng. Mâm lễ này gồm mận hậu vip, cơm rượu, vải thiều, bánh gio, hoa sen gấp cánh, hoa cúc hoàng gia. Cơm rượu và trái cây mỗi loại có 0,5kg.
Năm nay kinh tế khó khăn, giá cả hàng hóa tăng phi mã, các bà nội trợ đều có xu hướng thắt chặt chi tiêu nên Tết Đoan ngọ ưu tiên chọn mâm lễ giá rẻ. Song, chị Giang tiết lộ, riêng khu nhà chị ở đã có gần 150 khách cư dân đặt, còn khách ở ngoài đặt gần 100 mâm lễ.
“Sáng mai, tôi bắt đầu ngồi xếp mâm lễ ship dần để khách kịp cúng Tết Đoan ngọ”, chị chia sẻ.
Đặt mua mâm cúng Tết Đoan Ngọ làm sẵn, chị Bùi Thu Thảo, trú tại Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, Tết Đoan Ngọ năm nay rơi vào thứ 6, ngày 3/6 dương lịch. Vì vào đúng ngày thường, phải đi làm nên chị đặt sẵn mâm cúng của cửa hàng gần nhà, vừa đẹp lại vừa nhanh.
“Nếu mình tự đi mua thì tốn rất nhiều thời gian mà có khi còn không đủ các loại hoa, quả mình cần. Vậy nên, tôi đặt luôn mâm lễ 200 nghìn đồng có cả mận, vải, hoa ngọc lan, hoa sen, bánh gio, cốm, rượu nếp, trầu cau…”, chị Thảo cho biết trên Dân Việt.
Để có mâm lễ cúng vào ngày 5/5, chị Thảo phải đặt trước từ hôm mùng 1 vì nếu đặt sát ngày sẽ rất khó, nhiều cửa hàng nhiều đơn, không nhận thêm đơn từ ngày 4/5.
PN (Nguoiduatin.vn)